Tỉnh Quảng Ninh hiện có 878 hợp tác xã, tổ hợp tác và liên hiệp hợp tác xã. Trong đó, hợp tác xã thu hút khoảng 72.800 lao động thường xuyên; tổng số vốn hoạt động là trên 1.163 tỷ đồng; doanh thu bình quân một hợp tác xã là 650 triệu đồng/năm; lãi bình quân một hợp tác xã là 290 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân một thành viên, lao động hợp tác xã là 68 triệu đồng/năm. Toàn tỉnh hiện có 03 liên hiệp hợp tác xã. Trong đó có 01 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và 02 liên hiệp hợp tác xã phi nông nghiệp, tổng vốn đăng ký là 66,1 tỷ đồng. Dù mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng liên hiệp hợp tác xã đã chứng minh tính hiệu quả, vai trò dẵn dắt kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển theo hướng liên kết bền vững. Tỉnh có 210 tổ hợp tác, doanh thu bình quân đạt 270 triệu đồng/tổ hợp tác/năm, thu nhập bình quân 01 lao động đạt 3,3 triệu/tháng. Các tổ hợp tác thành lập xuất phát từ nhu cầu phát triển thực tế của người dân, hợp tác mang tính gia đình, linh hoạt, gọn nhẹ; đa dạng hình thức hoạt động rất phù hợp với người nông dân, lao động nghèo...
Trồng hoa tại Hợp tác xã rau, hoa Đồng Chè, huyện Hoành Bồ.
(Nguồn: baoquangninh.vn)
Nhiều mô hình hợp tác đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất; nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát triển, mở rộng quy mô sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ thành viên; đẩy mạnh liên kết giữa các thành viên và các hợp tác, doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn của tỉnh hầu hết hoạt động ổn định, phát triển và có doanh thu, lợi nhuận khá. Điều đó cho thấy mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của người dân, phục vụ sản xuất kinh doanh bền vững và thực hiện hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh đến nay chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả khu vực này còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo; trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Đặc biệt, phần lớn hợp tác xã đều thiếu vốn lưu động đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khó tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Hầu hết các hợp tác xã không có nhiều tài sản thế chấp để vay vốn, dẫn đến nhiều hợp tác chỉ thành lập mà chưa có tầm nhìn, chiến lược dài hạn, thiếu chủ động trong việc xây dựng phương án tổ chức sản xuất, không quan tâm nhiều đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm, không phát huy được hiệu quả chuỗi giá trị... Những nguyên nhân này khiến nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng, yếu kém; tình trạng nợ đọng kéo dài, hoạt động chỉ mang tính hình thức mà không phát huy được năng lực nội tại. Thậm chí có hợp tác xã đã ngừng hoạt động và giảm số lượng thành viên qua từng năm nhưng vẫn tồn tại trên danh nghĩa, trên giấy tờ, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương. Trong bối cảnh mới, phong trào hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng khốc liệt; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng.
Với mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả, bền vững, tăng về số lượng, quy mô, chất lượng, tỉnh Quảng Ninh chủ trương định hướng, khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tập thể đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mở rộng thành viên, đa dạng hoá thành viên, thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình ở địa bàn nông thôn và thành thị tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác; phát triển số lượng, quy mô đi đôi với chất lượng và hiệu quả; nâng cao thu nhập và đời sống của các thành viên; góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường.
Chăm sóc nấm đông trùng hạ thảo tại Hợp tác xã Việt Hoàng, phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long
(Nguồn: baoquangninh.vn)
Các tổ chức hợp tác xã nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ lợi ích của thành viên; huy động các nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực quản trị phù hợp với chức danh cán bộ của hợp tác xã; đào tạo nghề cho thành viên và người lao động gắn với các sản phẩm chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; tăng cường liên kết, hợp tác, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên.
Đàm Thư