Cùng với tư duy tiếp cận cách làm sáng tạo nổi bật, riêng có của Việt Nam, do người Việt Nam thực hiện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những nỗ lực về tự do hóa thương mại khi tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 đến nay càng giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa vai trò, vị thế trong khu vực và trên thế giới.
Thay đổi to lớn trong công cuộc đổi mới
Một trong những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đó là xây dựng được nền kinh tế; trong đó phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế. Tại Việt Nam trong suốt những năm đổi mới, kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cùng chuyển động trên quỹ đạo của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ chỗ chỉ thừa nhận, cho phép tồn tại, phát triển hai hình thức sở hữu là toàn dân (Nhà nước) và tập thể, hai thành phần kinh tế là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, đến nay, đã thừa nhận sự tồn tại khách quan nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Đây là một bước đột phá trong đổi mới tư duy kinh tế, giúp giải phóng sức sản xuất vốn bị kìm hãm trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước kia, từ đó huy động được tổng hợp các nguồn lực để xây dựng đất nước. Trong đó, vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, vai trò của kinh tế tư nhân được nhìn nhận sẽ là những trụ cột để tạo nên sức mạnh kinh tế cho quốc gia.
Tất cả những điều đó đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Cụ thể, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam được tổ chức gần đây, nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, đó chính là kết quả của 40 năm đổi mới.
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam. Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố.
"Bên cạnh đó, từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín, Việt Nam thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD, đây là mức đầu tư cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy", ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng trưởng mạnh mẽ cho thấy việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết rất tốt những vấn đề xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ rõ: "Cùng với quá trình cải cách và mở cửa, khả năng thích ứng và mức độ chống chịu của nền kinh tế ngày càng nâng cao. Giai đoạn vừa qua, với phương châm thích ứng an toàn, Việt Nam vững vàng vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và trở thành một điểm sáng về sự ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh tình trạng trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn".
Những thành tựu và nỗ lực trong công cuộc đổi mới đã giúp Việt Nam có khả năng thích ứng và ứng phó tốt với các cú sốc từ bên ngoài. Điển hình là sự phục hồi của kinh tế sau đại dịch cũng như năng lực ứng phó trước những ảnh hưởng từ vòng xoáy căng thẳng ở Trung Đông.
Mới đây nhất, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Với nhiều thông tin tích cực, Trưởng phái đoàn phụ trách Việt Nam tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Paulo Medas cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi ở mức gần 6% trong năm 2024. Đồng quan điểm với Standard Chartered, trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được công bố ngày 19/6, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam đã có nhiều chỉ dấu tích cực. IMF đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% giai đoạn 2024 - 2029…
Hội nhập sâu rộng
Trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương thế hệ mới. Theo Bộ Công Thương, đến nay có 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh… Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 và hiện đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương với nhiều quốc gia như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.
Việt Nam đã và sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng trong mối quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, liên tục các năm từ 2021 đến năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD.
Điều đó cho thấy thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ luôn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận về kim ngạch xuất nhập khẩu và dự báo sẽ tiếp tục tăng về quy mô kim ngạch trong các năm tới sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện.
Ngày 10/9/2023, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện đã trở thành dấu mốc quan trọng mở ra rất nhiều cơ hội quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước. Đây vừa là xu thế phát triển tất yếu vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững của cả Việt Nam và Hoa Kỳ.
Mới đây, từ ngày 18 - 21/3/2024, đoàn doanh nghiệp cao cấp Hoa Kỳ bao gồm 500 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực đã thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong số các công ty tham gia đoàn doanh nghiệp phải kể đến các tên tuổi lớn như: Reta, Boeing, 3M, Abbott, Amazon, Coca-cola Việt Nam, Ford…
Công nghệ mới, năng lượng sạch, kinh tế số và chuỗi cung ứng là 4 lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm và đã đầu tư vào Việt Nam. Một số doanh nghiệp của Mỹ đã tạo điều kiện cấp vốn cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, thúc đẩy việc chuyển đổi công nghệ vào ứng dụng sản xuất.
Cuối tháng 6 vừa rồi, tại Washington D.C (Hoa Kỳ), cuộc họp đối thoại kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ đầu tiên đã được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jose Fernandez.
Cuộc họp đối thoại kinh tế đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước nói chung; trong đó, có hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nói riêng. Các kết quả cụ thể, đặc biệt là các nội dung liên quan đến hệ sinh thái bán dẫn đáp ứng được mục tiêu thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước sau khi nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Những hoạt động này làm sâu sắc hơn điểm nhấn hợp tác kinh tế trong mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Hợp tác đầu tư với đối tác lớn như Hoa Kỳ, các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế cũng như việc tham gia mạnh mẽ vào các FTA là minh chứng Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu vào nền kinh tế toàn cầu với luật chơi cạnh tranh gắt gao, cùng với đó là việc áp dụng những hành vi cạnh tranh tự do trong nền kinh tế thị trường.
Nguồn Báo tin tức