Đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau 35 năm, đã đi vào cuộc sống và thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Qua tổng kết thực tiễn cách mạng và nghiên cứu lý luận, nhận thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tính tất yếu, bản chất, đặc trưng, thể chế và cơ chế vận hành của mô hình kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ngày càng hoàn thiện, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực tiễn ngày càng được bổ sung, phát triển phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước.
Tuy nhiên, vào những thời điểm có tính quyết định đến đường hướng phát triển của đất nước hoặc trước một số thời khắc khó khăn của nền kinh tế, vẫn có những tiếng nói bàn cãi, tạo sự mập mờ, làm dấy lên sự nghi ngại về mô hình kinh tế này. Có quan điểm cho rằng: KTTT ví như “nước”, còn XHCN ví như “lửa” nên không thể dung hợp được với nhau; hoặc một nền kinh tế chịu sự tác động cùng một lúc hai loại quy luật trái chiều nhau thì khó có thể tạo ra động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn tạo lực cản cho sự phát triển. Một vài ý kiến khác tỏ ra thận trọng hơn nhưng cũng gây nên sự mơ hồ trong Nhân dân khi yêu cầu Đảng phải làm rõ, đơn giản hơn “khái niệm” về nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam.
Những giọng điệu trên, tựu trung lại, nhằm gây hoang mang, dao động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tính đúng đắn của sự lựa chọn đường hướng phát triển kinh tế của đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam xác lập và lãnh đạo, từ đó đòi phải chuyển sang phát triển kinh tế theo mô hình của các nước tư bản phát triển trên thế giới. Nhìn nhận dưới góc độ lý luận và thực tiễn, những luận điệu đó thể hiện sự ấu trĩ trong tư duy, cũng như thiếu am tường về tình hình của đất nước và thế giới hiện nay.
Thứ nhất, KTTT tư bản chủ nghĩa, suy cho cùng, là một kiểu tổ chức nền kinh tế phản ánh trình độ phát triển nhất định của văn minh nhân loại trong chủ nghĩa tư bản. Những ưu thế của KTTT được tận dụng tối đa để phục vụ cho mục tiêu phát triển tiềm năng kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận, đồng thời, như một tất yếu nó thúc đẩy lực lượng sản xuất của xã hội phát triển nhanh chóng. Tuy vậy, một điều chắc chắn, KTTT tư bản chủ nghĩa không thể và không phải là liều thuốc vạn năng. Bên cạnh mặt tích cực, nó còn có những khuyết tật từ chính trong bản chất của nó do chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa chi phối.
Mặc dù KTTT tư bản chủ nghĩa đã đạt tới giai đoạn phát triển khá cao và phồn thịnh trong các nước tư bản phát triển những thập kỷ qua nhưng mục tiêu của chủ nghĩa tư bản vẫn là tăng lợi nhuận và duy trì sự thống trị của giai cấp tư sản. Từ thực tiễn ở chính các nước tư bản phát triển cho thấy, hệ thống quyền lực chính trị theo thể chế tư bản chủ nghĩa vẫn chịu sự chi phối và đem lại lợi ích chủ yếu cho thiểu số giàu có và các tập đoàn tư bản lớn(1). Một nghịch lý đang hiện hữu là 99% dân số nhưng chỉ nắm giữ số ít của cải, tư liệu sản xuất và 25% nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu(2).
Mặt khác, chủ nghĩa tư bản đã và đang tìm mọi cách tự điều chỉnh để thích nghi thông qua phát triển nền “KTTT xã hội”, “chủ nghĩa tư bản xã hội”, “nhà nước phúc lợi chung”,… trong đó, nhà nước tư sản trực tiếp chăm lo vấn đề xã hội nhiều hơn, đời sống của một bộ phận người lao động được quan tâm nhiều hơn nhưng nhân dân lao động vẫn là người làm thuê; những mâu thuẫn cơ bản trong lòng xã hội tư bản như: thất nghiệp, tình trạng bất công, bất bình đẳng và bất ổn xã hội ngày càng gia tăng. Dẫn theo báo cáo của tổ chức Oxfam, đến năm 2019, 1% số người giàu nhất thế giới có tài sản lớn gấp đôi số tài sản của 6,9 tỷ người còn lại(3). Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, nền KTTT tư bản chủ nghĩa vẫn là sự thống trị của một số ít nước lớn hay một số tập đoàn xuyên quốc gia đối với đa số các nước kém phát triển bị ràng buộc vào vòng xoáy lệ thuộc và bị bóc lột, càng làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa các nước giàu và các nước nghèo.
Thứ hai, đối với Việt Nam, để hiện thực hóa mục tiêu lý tưởng chủ nghĩa xã hội của dân tộc, trong thời kỳ đổi mới, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể chế hóa thành các quy định trong hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, tiếp tục được hoàn thiện tạo hành lang pháp lý cho nền KTTT định hướng XHCN hình thành và phát triển.
Trong 35 năm đổi mới, Quốc hội Việt Nam đã ba lần sửa đổi và ban hành Hiến pháp, sửa đổi và ban hành trên 150 bộ luật và luật, trên 70 pháp lệnh(4). Đặc biệt, trong giai đoạn từ ngày 01/7/2016 đến khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã có 72 luật, 02 pháp lệnh và nhiều Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được ban hành, qua đó kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển KTTT định hướng XHCN(5).
Nền kinh tế quốc gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế với nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường thế giới. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước và vùng lãnh thổ, trong đó thiết lập quan hệ với 16 đối tác chiến lược và 14 đối tác toàn diện, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, cơ chế đa phương khu vực và quốc tế; đã tham gia, ký kết và đàm phán 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA)(6); 71 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền KTTT, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam(7). Trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đạt 68,36 điểm (cao hơn 1,59 điểm so với năm 2018), có 6/10 chỉ số môi trường đầu tư được cải thiện và đứng đầu Đông Nam Á vì thực hiện 18 cải cách trong 5 năm qua(8).
Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước từ chỗ chỉ đạt 6,3 tỷ USD vào năm 1989(9) đã không ngừng tăng lên và chỉ sau 30 năm quy mô nền kinh tế của đất nước lần đầu tiên cán mốc hơn 262 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hiện tại khoảng 2.800 USD/người/năm (nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3.000 USD), trong khi ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình cao (theo chuẩn giá 2019 của WB) là 3.996 USD(10). Năm 2020, quy mô xuất nhập khẩu khoảng 543,9 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục là 19,1 tỉ USD(11), dự trữ ngoại hối tăng từ 12,4 tỉ USD năm 2010 lên gần 100 tỉ USD năm 2020(12). Sự phát triển của nền kinh tế đã giúp Việt Nam tăng thêm ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo cho hàng chục triệu người, đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng thiếu đói trên cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58,1% vào năm 1993 xuống còn 5,35% vào năm 2018(13) và dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều)(14). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 60,9% năm 2010 lên 90,7% năm 2020(15).
Tóm lại, sau 35 năm đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt; chính trị ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Đây chính là minh chứng đầy sức thuyết phục về tính đúng đắn của đường lối phát triển KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam; kết tinh trí tuệ và công sức của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm, đấu tranh tư tưởng với sự tác động biện chứng giữa các yếu tố thực tiễn, tư duy, chính sách, tạo ra bước đột phá lớn và toàn diện để đưa đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới.
---------------------------------------------
Đăng Mai