Phát triển nền kinh tế số - xu hướng tất yếu hiện nay
Kinh tế số phát triển đòi hỏi phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nền kinh tế một cách hiệu quả. Kinh tế số phát triển sẽ dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về lao động, quá trình chuyển đổi số sẽ vừa làm mất việc làm nhưng cũng sẽ tạo ra việc làm mới. Theo dự báo của các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2025 máy móc và con người sẽ có thời gian làm việc tương đương, máy móc sẽ thay thế vị trí của con người khiến cho 85 triệu việc làm có thể bị mất đi. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những việc làm mới được tạo ra trong những ngành cần sự bổ trợ tương hỗ giữa công nghệ hiện đại và lao động có tay nghề. Kinh tế số sẽ làm thay đổi lớn về cơ cấu lao động và thị trường lao động. Sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ gây ra sự bất ổn thị trường lao động, làm gia tăng nỗi lo mất việc do tự động hóa và Việt Nam cùng các nước trong khu vực có thể mất đi lợi thế so sánh dựa trên chi phí lao động thấp. Kinh tế số mang lại những cơ hội phát triển lớn, nhưng người lao động cần phải được chuẩn bị những kỹ năng và năng lực phù hợp với nhu cầu công việc trong tương lai.
Sự phát triển của kinh tế số theo một xu hướng không thể đảo ngược đã cho thấy sự khác biệt của xu hướng phát triển kinh tế trước đây so với giai đoạn hiện nay. Trong những giai đoạn trước đây, do lực lượng sản xuất còn thấp, sự phát triển, tăng trưởng chủ yếu dựa trên việc khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên. Khi tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt dần, đặc biệt dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quốc gia nào có nguồn nhân lực tốt hơn sẽ phát triển nhanh, bền vững hơn. Xu hướng chung của nền kinh tế thế giới trong thời gian gần đây là sự tăng trưởng kinh tế hiện nay đang giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ được cho là yếu tố quyết định để thực hiện hai khâu đột phá còn lại là hoàn thiện thể chế kinh tế và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Thực hiện tốt khâu đột phá này sẽ làm tăng tiềm lực và sức mạnh của đất nước, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, quyết định đến thành công của việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của kinh tế số
Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, cần chú trọng đến các giải pháp phát triển nguồn nhân lực theo các hướng sau:
Một là, rà soát, hoàn thiện các chiến lược về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cho đến nay, nước ta cũng đã có khá nhiều quy định, nghị định về phát triển giáo dục, đào tạo cũng như phát triển nguồn nhân lực nhưng so với yêu cầu của việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, nhiều quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Do đó, cần rà soát lại các quy định đã có, kịp thời ban hành những quy định mới để tạo ra những bước đột phá về giáo dục, đào tạo, từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực quốc gia hiện nay.
Hai là, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các trường phổ thông. Hiện nay, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp ở nước ta đã trở nên lạc hậu, nặng giáo dục lý thuyết, xem nhẹ thực hành, nặng về kiến thức, xem nhẹ kỹ năng; tỉ lệ giữa các ngành khoa học xã hội, nhân văn với các ngành kinh tế, kỹ thuật chưa thật sự hợp lý. Dó đó, cần phải tiến hành quy hoạch lại một cách tổng thể mạng lưới giáo dục nghề nghiệp ở cả ba cấp trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; gia tăng các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Ngoài ra, cần triển khai từ sớm việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh bậc học phổ thông về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy hoạt động hướng nghiệp với các ngành nghề mà xã hội đang thực sự cần.
Ba là, hình thành các chương trình cấp quốc gia và cấp địa phương, ngành, lĩnh vực về đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, lao động có kỹ năng, chuyên môn cao. Để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, các cấp, ngành, địa phương cần căn cứ vào thực lực của mình để có chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài hợp lý; tránh tình trạng “chảy máu chất xám”. Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình cấp quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài để bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc. Chú trọng đến các chính sách phân bổ nguồn lực chất lượng cao cho các vùng, miền, địa phương có điều kiện khó khăn để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.
Bốn là, xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Do trình độ phát triển của các ngành nghề ở nước ta có sự chênh lệch đáng kể nên không thể tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách cào bằng mà phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất có tính nền tảng, mũi nhọn. Vì thế, cần phải đẩy mạnh các chương trình, chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề đó để tạo nên những bước đột phá về chất lượng. Đây là lực lượng nhân lực đầu tàu, có khả năng dẫn dắt, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cho lực lượng lao động có trình độ thấp hơn có khả năng tiếp cận được máy móc, khoa học - công nghệ và trình độ quản lý hiện đại, tiên tiến.
Năm là, quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ lao động nông thôn; tăng số lượng lao động kỹ thuật có tay nghề; phát triển nhân lực nghiên cứu, chuyên gia trong nông nghiệp. Vì lực lượng lao động nông nghiệp ở Việt Nam chiếm tỉ lệ khá cao nên để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không thể không tính tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Do đó, thời gian tới cần chú trọng đến việc nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động nông thôn, tăng cường đội ngũ chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp.
Sáu là, khuyến khích phát triển các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, các mô hình đại học mới thích ứng với quá trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số quốc gia, các nền tảng dạy và học trực tuyến cũng cần được mở rộng để tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức cho người lao động. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục, nhất là các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cần đẩy mạnh hình thức giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến để người lao động có nhiều cơ hội học tập nâng cao trình độ, tay nghề.
Như vậy, phát triển nền kinh tế số là một xu hướng tất yếu dựa trên việc tận dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là giải pháp mang tính đột phá để nguồn nhân lực nước ta đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số.
Trương Cao Huyền Trang