EVFTA và EVIPA được xem là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hiệp định bảo hộ đầu tư toàn diện, chất lượng cao, điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác ngoài thương mại và đầu tư. Không chỉ các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa qua dỡ bỏ hàng rào thuế quan, hay áp dụng các biện pháp bảo hộ, đảm bảo tự do cho hoạt động đầu tư, Hiệp định EVFTA và EVIPA còn điều chỉnh các lĩnh vực như mở cửa thị trường dịch vụ, thương mại điện tử, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quy định về hoạt động đầu tư, mua sắm của Chính phủ, vấn đề doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững.
Hai hiệp đinh quan trọng này được thông qua trong một bối cảnh hết sức đặc biệt trong đó chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên như một xu hướng và xung đột thương mại giữa một số cường quốc chưa lắng lại, đặc biệt, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid -19 cũng như sự suy thoái của các ngành kinh tế có mối liên quan chặt chẽ với các hoạt động xuyên biên giới như hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu…dẫn đến xu hướng “hướng nội” gia tăng cũng như xu hướng “thoái lui” khỏi các thị trường rủi ro.
Trong bối cảnh như vậy, việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA một lần nữa khẳng định đường lối, chính sách nhất quán của Việt Nam về hội nhập quốc tế trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế.
EVFTA quy định những điều khoản liên quan đến thương mại hàng hóa giữa EU và Việt Nam với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất. Ngay khi có hiệu lực, 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng nhập khẩu của EU từ Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế. Với lộ trình thực hiện kéo dài một thập kỷ, EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU.
Đối với Việt Nam, EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa tiến sâu hơn vào thị trường EU đầy tiềm năng với 508 triệu dân. Các lĩnh vực như dệt may, da giày, nông thủy sản... có nhiều tiềm năng và cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Sản xuất trong nước có cơ hội tiếp cận được các đầu vào nhập khẩu từ EU, đặc biệt là máy móc, thiết bị, công nghệ cao với mức giá cả hợp lý để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm, trong khi người tiêu dùng được tiếp cận với hàng hóa nhập khẩu từ EU với giá cả thấp hơn, chất lượng tốt hơn.
EVIPA sẽ tạo ra môi trường đầu tư cởi mở, minh bạch, công bằng, giúp Việt Nam thu hút được một luồng FDI thế hệ mới chất lượng cao hơn góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ cũng như nâng cao tay nghề người lao động.
Đại dịch Covid -19 đã chỉ cho thế giới rõ sự rủi ro của việc phụ thuộc vào một số ít thị trường trong cả hoạt động thương mại và đầu tư. Thực tế này cũng sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào các thị trường khác trong đó có Việt Nam. Điều này tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hội nhập tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành các doanh nghiệp toàn cầu.
Đầu tư từ EU không chỉ mang theo các kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại, công nghệ hàng đầu thế giới đến Việt Nam mà còn thúc đẩy tích cực vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam thông qua việc tuân thủ các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với lao động trong doanh nghiệp cũng như môi trường sống.
Tận dụng được các cơ hội từ EVFTA và EVIPA giúp Việt Nam cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, hội nhập nhanh hơn vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo hướng đổi mới, sáng tạo...
Tuy nhiên, là một dạng hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, EVFTA và EVIPA có độ bao phủ rộng và yêu cầu tương đối cao, do đó mang lại nhiều thách thức cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam. Rào cản đầu tiên liên quan đến quy tắc xuất xứ, theo đó để hưởng các ưu đãi về thuế theo thỏa thuận thì nguyên liệu phải đáp ứng một tỷ lệ nội khối nhất định. Đây rõ ràng là một thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu có nguồn gốc lớn từ Trung Quốc hoặc các nước ASEAN. Ngoài ra, các rào cản phi thuế quan về TBT và SPS cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi muốn xuất khẩu sang thị trường EU – là thị trường khó tính với các yêu cầu khắt khe về lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường…
Bên cạnh đó, mặc dù, việc mở cửa thị trường được thực hiện theo lộ trình, đặc biệt với các mặt hàng nhạy cảm, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và EU mang tính bổ sung, nhưng sức ép cạnh tranh là hiện hữu do đa số doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ, có nhiều hạn chế về kỹ năng quản, công nghệ, nguồn vốn, chất lượng lao động…
Trên nguyên tắc “có đi có lại” - nguyên tắc phổ quát của các Hiệp định thương mại và đầu tư quốc tế, EVFTA và EVIPA chắc chắn mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Nếu biết nắm bắt, hiện thực hóa các cơ hội, hóa giải và vượt qua thách thức, hành trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam vào thị trường EU sẽ là một hành trình trải hoa hồng. Ngược lại, con đường hội nhập sẽ phải đối mặt với nhiều chông gai dễ trở thành điều không khó đoán định.
Để cơ hội trở thành hiện thực, để vượt qua các thách thức, từ phía Nhà nước và doanh nghiệp cần chú ý một số vấn đề.
Về phía Nhà nước, đầu tiên, cần phổ biến thông tin về các cam kết trong các Hiệp định tới các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất – nhập khẩu các loại hàng hóa dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Các thông tin cần được thể hiện dưới dạng các hướng dẫn ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề trọng yếu nhất và có giá trị, hữu ích, thiết thực đối với doanh nghiệp. Hình thành cơ chế chuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp vào thị trường EU.
Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật…của thị trường EU. Đẩy mạnh hoạt động hài hòa hóa tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật, chuẩn mực trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nm và EU.
Thứ ba, tiếp tục quyết liệt hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư đến từ EU. Các quy định được xây dựng trên các tiêu chuẩn đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế, được công bố công khai, minh bạch. Chính sách, pháp luật cần nhất quán, đồng bộ, không phân biệt đối xử, tuân thủ đúng trình tự thủ tục để hạn chế các tranh chấp trong hoạt động thương mại, đầu tư.
Và thứ tư, Nhà nước cần đẩy mạnh số hóa các hoạt động của Chính phủ trong đó có xúc tiến thương mại và đầu tư qua nền tảng số để tăng cường cung cấp thông tin cho nhà đầu tư EU, đặc biệt chú ý thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa của EU. Chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trực tiếp vào thị trường EU.
Về phía doanh nghiệp, đầu tiên, các doanh nghiệp trong nước phải chủ động nắm bắt thông tin, các cam kết để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Chẳng hạn, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sản xuất có trách nhiệm xã hội sẽ là các rào cản lớn, doanh nghiệp phải xây dựng lộ trình để đáp ứng các hàng rào kỹ thuật này mới có thể tận dụng được lợi thế từ việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan.
Vấn đề thứ hai doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng; quy trình sản xuất tuân thủ các quy định về lao động, môi trường, nguồn gốc xuất xứ…Đồng thời chú trọng cải thiện mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ ba, doanh nghiệp cần tích cực và chủ động hơn trong tạo lập chuỗi liên kết sản xuất bền vững theo các tiêu chuẩn đã xác định với các đối tác trong chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang EU. Thực hiện các cam kết và giám sát chặt chẽ, đặc biệt các khâu trong chuỗi giá trị các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản xuất khẩu sang thị trường EU.
Hà An