Khu vực Tây Nam Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với an ninh, quốc phòng của Việt Nam. Đồng thời đây cũng là khu vực khá phức tạp về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã tìm nhiều cách để phát tán các thông tin sai trái, tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về vấn đề dân tộc, tôn giáo ở đây nhằm gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thậm chí là kích động nhân dân để thực hiện bạo loạn, lật đổ. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng internet như hiện nay thì internet và mạng xã hội đã trở thành công cụ phổ biến mà các thế lực thù địch, phản động sử dụng để chống phá, xuyên tạc các quan điểm, chủ trương, đường lối và chính sách của Việt Nam nói chung và về vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nam Bộ nói riêng.
Các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở khu vực Tây Nam Bộ để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền tư tưởng ly khai, tự trị. Hiện nay, công cụ phổ biến mà các thế lực thù địch, phản động sử dụng để phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc các sự việc nhạy cảm, phức tạp liên quan đến dân tộc, tôn giáo chính là internet và các mạng xã hội. Chính vì vậy, việc nhận diện và đấu tranh với các âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện “Diễn biến hòa bình” trên internet và mạng xã hội hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách.
Lễ Chol Chnam Thmay - Têt cổ truyền của đồng bào Khmer
Âm mưu “Diễn biến hòa bình” thông qua vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nam Bộ trên internet và mạng xã hội
Về mục đích, âm mưu “Diễn biến hòa bình” thông qua vấn đề dân tộc, tôn giáo mà các thế lực thù địch, phản động đang thực hiện ở Tây Nam Bộ hiện nay nhằm vào một số mục tiêu như sau: Một là, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân; Hai là, tuyên truyền, kích động tư tưởng ly khai, tự trị trong đồng bào dân tộc Khmer; Ba là, chia rẽ mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Campuchia thông qua việc xuyên tạc vấn đề dân tộc; Bốn là, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho các thế lực đế quốc, phản động bên ngoài can thiệp để thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam, thậm chí là tạo cớ xâm lược Việt Nam.
Về thủ đoạn, lợi dụng internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động ra sức phát tán các thông tin sai lệch về tình hình dân tộc, tôn giáo ở khu vực Tây Nam Bộ trên không gian mạng. Chúng thường hay lợi dụng các vụ việc phức tạp, nhạy cảm liên quan đến dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, đàn áp dân tộc thiểu số để kích động quần chúng biểu tình, gây rối đòi ly khai, tự trị. Tiêu biểu là vụ khiếu kiện tranh chấp đất tại chùa Mỹ Văn, chùa Rùm Sóc (Trà Vinh), hay vụ việc liên quan đến tượng Phật cổ bị một số đối tượng cực đoan lợi dụng để xuyên tạc lịch sử vùng đất Nam Bộ rằng “Việt Nam đã chiếm vùng đất Tây Nam bộ của người Khmer Krom, nay lại muốn chiếm luôn tượng Phật cổ của người Khmer”[1]. Các kênh, trang mạng xã hội thường được các thế lực thù địch, phản động sử dụng để tuyên truyền, phát tán các thông tin sai trái xuyên tạc có thể kể đến đó là Đài BBC tiếng Việt, Đài châu Á tự do (RFA), mạng xã hội Facebook, Twitter, Youtube,…
Các nhà sư - Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmer cùng người dân xây dựng đường giao thông nông thôn ở xã Cô Tô, huyện Tri Tôn (An Giang). Ảnh: Internet.
Phòng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” thông qua vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nam Bộ trên internet và mạng xã hội
Để đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” thông qua vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nam Bộ trên internet và mạng xã hội, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về đặc điểm dân tộc, tôn giáo ở khu vực Tây Nam Bộ; tích cực tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân tộc, tôn giáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng đặc biệt là internet và mạng xã hội. Việc tuyên truyền, phổ biến thông tin sẽ giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; giúp người dân dễ dàng nhận diện những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc từ đó giúp ngăn chặn nguy cơ người dân bị kích động, xúi giục chống Đảng, chống chính quyền.
Thứ hai, tăng cường công tác đảm bảo an ninh mạng và tăng cường quản lý nhà nước đối với các mạng xã hội đang hoạt động ở Việt Nam. Để đấu tranh phòng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” trên internet và mạng xã hội, chúng ta cần nghiêm túc thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an ninh mạng như: Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin mạng năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018.
Thứ ba, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp lợi dụng internet và mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền các thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam nói chung và ở Tây Nam Bộ nói riêng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở luật pháp đã ban hành, các cơ quan chức năng, đặc biệt Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng cần tăng cường công tác nắm bắt thông tin, tình hình dư luận liên quan đến các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kịp thời đấu tranh với các hành vi lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần tăng cường, chủ động triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật.
Thứ tư, tăng cường công tác thông tin đối ngoại về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo và tình hình dân tộc, tôn giáo ở khu vực Tây Nam Bộ đến cộng đồng quốc tế, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về vấn đề này nhằm phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc nhằm hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời ngăn chặn việc các thế lực đế quốc, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.
Thứ năm, khuyến khích các cơ quan chức năng của các tỉnh/thành Tây Nam Bộ thiết lập các fanpage trên mạng xã hội để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, đảng viên viết và chia sẻ các bài viết về đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; khuyến khích các tầng lớp nhân dân nhất là trí thức, thanh niên viết, đăng tải, chia sẻ các bài viết giúp nhận diện những hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” ở Tây Nam Bộ.
Dona Đoàn