Khi mới thành lập (tháng 8-2002), huyện Mường Nhé chỉ có 05 đơn vị hành chính xã, với 25.000 nhân khẩu, chủ yếu là người Hà Nhì và người Thái, người Mông có 01 bản ở Nậm Nà gồm 30 hộ, gần 120 nhân khẩu. Do nạn di dân tự do ồ ạt trong suốt 8 năm nên đến năm 2010, huyện Mường Nhé đã tăng lên 16 xã, tất cả đều là các xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, với 11 dân tộc: Thái, Mông, Kinh, Hà Nhì, Khơ Mú, Si La, Xạ Phang, Dao, Sán Chỉ, Cống, Kháng. Trong đó, người Mông trở thành cộng đồng có dân số đông nhất. Việc di cư mang đến nhiều hệ luỵ xấu như trẻ em không được đến trường, dân trí thấp, tỷ lệ dân đói nghèo của cả Huyện lên tới 78,87%... Đó là những nguyên nhân chính làm cho tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở Mường Nhé 10 năm trước ngày càng trở nên phức tạp. Tháng 5/2011, với mục đích “Xưng vua”, “lập vương quốc Mông” tự trị, nhóm đối tượng do Vàng A Ía cầm đầu đã loan tin "một thế lực siêu nhiên" sẽ đến Huổi Khon để đưa người Mông đến miền đất hứa, được ban cho sức khỏe, hạnh phúc và giàu sang. Tin lời lừa phỉnh đó, hàng ngàn đồng bào Mông từ khắp mọi nơi kéo về dựng lán trại tạm bợ ở đây. Chỉ chờ có vậy, một số phần tử cơ hội chính trị đã rêu rao những thông tin sai lệch, xuyên tạc như "bạo động tại Mường Nhé", vu cáo chính quyền dùng vũ lực để đàn áp dân chúng và những người Mông tham gia biểu tình đã bị bắt và có người chết... Một số hãng thông tấn và cơ quan truyền thông quốc tế liên tiếp đưa những tin sai sự thật này. Tuy nhiên, sau khi được Đảng, chính quyền giáo dục, nhân dân giúp đỡ, phần lớn người Mông lầm đường, lạc lối đã hiểu ra, trở về nhà, chí thú làm ăn để lập nghiệp trên chính mảnh đất của mình. Những kẻ vi phạm pháp luật trong vụ án đã bị khởi tố, xét xử.
Mường Nhé hôm nay dù vẫn còn nhiều bộn bề, khó khăn nhưng vóc dáng một đô thị nơi ngã ba biên giới đã và đang được định hình ngày càng rõ nét. Trong 10 năm qua, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mường Nhé đã đạt được thành tựu đáng mừng trên tất cả các lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỉ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm tỉ trọng ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 – 2020 đạt 112,63 tỷ đồng, tăng bình quân 13,87%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 58,43%; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 ước đạt 15.780 tấn. Các mặt văn hóa, xã hội có chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên. Nhằm khắc phục tình trạng di dân tự do, Huyện xây dựng Đề án và đã sắp xếp ổn định dân cư được 1.253/1.316 hộ. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng. Hiện nay, tất cả các bản của Huyện đều đã có đảng viên...
Các em học sinh huyện Mường Nhé tại lễ hưởng ứng học tập suốt đời
(ảnh: internet)
Nhìn lại vụ án phá rối an ninh cách đây 10 năm tại Mường Nhé, có thể thấy thủ đoạn của các thế lực thù địch sử dụng là thực hiện những hoạt động phi vũ trang, tạo thành những “cây cầu dẫn vào trận địa” để khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền, từ đó kích động nhân dân bạo loạn, chống chính quyền. Đây là những phương thức mới, rất tinh vi trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đã thực hiện để chống phá cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, nhận thấy Mường Nhé là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh nên các thế lực thù địch luôn nung nấu ý đồ thôn tín, lập quốc gia riêng. Chúng lợi dụng những vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để đẩy mạnh các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, kích động tư tưởng ly khai, tự trị. Chúng ra sức lôi kéo các đối tượng có hận thù với cách mạng, tàn quân của các tổ chức phản động trước đây và các thành phần có tư tưởng bất mãn với thời cuộc để tạo dựng ngọn cờ chống đối, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Để chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cần thực hiện những giải pháp cơ bản sau:
Một là, cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân các cấp phải không ngừng tuyên truyền, giáo dục, quán triệt quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; chú trọng phổ biến pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; đẩy mạnh giáo dục mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ý chí vươn lên, tạo lập nền tảng tinh thần xã hội - thế trận lòng dân vững chắc.
Hai là, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, bạo loạn lật đổ dưới mọi hình thức. Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chủ động, tích cực khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước để tránh cho các phần tử phản động, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá.
Trò chơi "bắt chước Nghệ nhân múa khèn Mông" do huyện Mường Nhé tổ chức để truyền dạy cho thế hệ trẻ
(ảnh: muongnhe.gov.vn)
Ba là, làm tốt công tác dự báo tình hình để đấu tranh ngăn chặn từ sớm, từ xa những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “chủ động phòng ngừa là chính... Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” (1).. Để hoàn thành nhiệm vụ nêu trên, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp phải nhạy bén chính trị, dự báo tình hình chính xác, kịp thời, trên cơ sở đó có dự kiến các tình huống, thống nhất cách thức, biện pháp ứng phó.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt mối quan hệ Dân với Đảng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân định canh, định cư; phát động phong trào thi đua làm giàu trong các tầng lớp nhân dân; tạo cơ chế, chính sách và môi trường thuận lợi để huy động các nguồn lực xã hội, nguồn vốn từ các chương trình, dự án quốc gia, quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc, vùng tôn giáo: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo... Khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, đồng bào sẽ đoàn kết, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, đó cũng là điều kiện quan trọng để vô hiệu hoá sự lợi dụng của kẻ thù.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.156
Hà Thuỷ