Trang RFA và các trang web phản động có nhiều bài viết quy chụp xuyên tạc về công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ở VN.
Nhận diện các hoạt động chống phá
Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống chủ nghĩa xã hội nói chung và Việt Nam nói riêng, các thế lực thù địch luôn xác định phá hoại tư tưởng là “mặt trận hàng đầu”, là “con đường ngắn nhất” nhằm hiện thực hóa âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng ráo riết triển khai các hoạt động phá hoại tư tưởng, lý luận nhằm vào đội ngũ CBĐV, nhất là CBĐV ở các cơ quan Trung ương, từ đó tạo tiền đề để tiến hành các hoạt động chống phá hoặc tìm cách hướng lái đường lối, chính sách phục vụ cho lợi ích của chủ nghĩa tư bản.
Thực hiện âm mưu, ý đồ trên, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn phá hoại tư tưởng khác nhau trên không gian mạng. Từ năm 2016 đến năm 2021, chúng đã phát động trên 70 chiến dịch tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tìm cách phát tán gần 500.000 đầu tài liệu có nội dung chiến tranh tâm lý, phản động, thư ân xá quốc tế, truyền đạo trái pháp luật thông qua hệ thống 63 đài phát thanh tiếng Việt ở nước ngoài, 512 tờ báo phản động, trên 800 website, blog của các tổ chức phản động trên Internet, gần 100 nhà xuất bản nước ngoài. Trong đó, hoạt động chống phá mà các thế lực thù địch tập trung vào một số vấn đề chủ yếu: (i) Tăng cường luận điệu phủ định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại công tác tổ chức Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xuyên tạc, bóp méo tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chúng lan truyền các thông tin sai sự thật, gieo rắc hoài nghi, mưu toan kích động chính trị, lợi dụng những vấn đề nhạy cảm liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, việc thực hiện chính sách tôn giáo, dân tộc để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ. (ii) Xuyên tạc, phủ nhận đường lối lãnh đạo, thành tựu phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, kích động tâm lý hoài nghi trong CBĐV; cổ súy, tung hô việc phát triển nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, làm mất phương hướng, niềm tin của đội ngũ cán bộ vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ, gây bất ổn về tư tưởng, làm xuất hiện tình thế mới về chính trị. (iii) Ra sức thúc đẩy hình thành “xã hội dân sự” kiểu phương Tây, đề cao dân chủ tư sản, chuyển hóa lập trưởng, tư tưởng của đội ngũ CBĐV; làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. (iv) Tăng cường hoạt động xâm nhập, móc nối, xây dựng nhân tố bên trong để tác động tư tưởng, phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện “xâm lăng” văn hóa nhằm đẩy nhanh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Những luận điệu sai trái, thù địch trên đã ảnh hưởng không ít đến lập trường chính trị, tư tưởng của một bộ phận CBĐV, gây ra tâm lý hoang mang, dao động, làm suy giảm lòng tin và nảy sinh sự hoài nghi về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Một số trường hợp từ diễn biến tư tưởng chính trị đã nảy sinh các hành vi chống đối thông qua những phát ngôn trái chiều, đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Một số CBĐV nghe theo luận điệu xuyên tạc, cổ vũ, tài trợ của số đối tượng cơ hội chính trị và phản động lưu vong để đưa ra những yêu sách đòi thành lập cái gọi là “Hội chống tham nhũng”, tổ chức “Hội nghị Diên Hồng thời kỳ mới”, phát động “Quỹ dân chủ cho Việt Nam”… mà thực chất là các tổ chức chính trị đối lập, tạo “nhân lõi” cho hoạt động chống phá; viết bài, cung cấp thông tin sai sự thật về tình hình kinh tế - xã hội trong nước cho cá nhân nước ngoài để đăng tải trên các trang tin điện tử phản động; cố ý cung cấp, làm lộ bí mật Nhà nước, bí mật công tác của ngành; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để có những phát biểu mang quan điểm chống phá, kích động nhân dân.
Các thế lực thù địch còn triệt để lợi dụng việc CBĐV của Việt Nam ra nước ngoài công tác, học tập để tuyên truyền, phổ biến các luận điệu sai trái, thù địch. Có trường hợp khi CBĐV của Việt Nam tham gia các Hội thảo ở nước ngoài, phía ban tổ chức có những hoạt động phức tạp, khiêu khích; lồng ghép, tán phát tài liệu, xuyên tạc sai sự thật về tình hình Biển Đông. Một số quốc gia phương Tây và Mỹ luôn tìm cách lôi kéo, khai thác, tiếp cận thông tin, tài liệu bí mật liên quan đến các chính sách lớn của Đảng, đặc biệt trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng - an ninh từ các CBĐV của ta trong quá trình đi công tác nước ngoài hoặc lợi dụng các diễn đàn, hoạt động ngoại giao song phương, đa phương để tăng cường quảng bá, phổ biến các “giá trị” của chủ nghĩa tư bản, đề cao quan điểm tư sản; âm mưu lồng ghép các học thuyết “dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây vào Việt Nam”…
Giải pháp phòng ngừa
Trước tình hình trên, Đảng ta luôn xác định, bảo vệ đội ngũ CBĐV trước mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn, bảo vệ sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Lớp đào tạo cán bộ nguồn Thành phố Hà Nội tháng 5/2018. Ảnh: Internet.
Quán triệt tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng và từ thực tiễn hoạt động phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch nhằm vào đội ngũ CBĐV cho thấy cần phải có những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, tăng cường bảo vệ an ninh chính trị nội bộ cho đội ngũ CBĐV. Do vậy, chúng ta cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, cấp ủy, lãnh đạo các cấp tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho CBĐV thấy rõ tính nguy hiểm, nguy cơ nảy sinh từ hoạt động phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng cho CBĐV; gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý cán bộ để kịp thời phát hiện, khắc phục những vướng mắc, hạn chế nảy sinh trong thực tiễn; chấp hành tốt Quy định 126-QĐ/TW, ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị về “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng”, Kết luận số 72-KL/TW ngày 19/5/2020 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”. Các cơ quan, đơn vị cần tập trung vào việc nắm, giải quyết những vấn đề chính trị hiện nay của CBĐV, nhất là đối với những trường hợp đi học tập, công tác ở nước ngoài hoặc có mối quan hệ tiếp xúc, làm việc lâu dài với các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho phù hợp với tình hình mới; không để cán bộ bị lôi kéo, mất niềm tin vào chế độ.
Thứ ba, phát hiện, ngăn chặn những dấu hiệu, biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ CBĐV. Các cơ quan, đơn vị cần chú ý xác định, khoanh vùng đối tượng, thường biểu hiện ở các CBĐV có tư tưởng bất mãn, nhận thức mơ hồ về chính trị, lập trường tư tưởng không vững vàng, coi trọng vật chất hoặc có nhiều nghi vấn, quan hệ bất minh với các tổ chức phản động lưu vong, các thế lực thù địchnước ngoài chống phá Việt Nam.
Thứ tư, chủ động ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường các biện pháp nắm tình hình, sớm phát hiện, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại tư tưởng chính trị; phản bác, bóc gỡ, vạch trần các thông tin xấu, độc, luận điệu xuyên tạc, thù địch, kích động của các thế lực thù địchnhằm vào đội ngũ CBĐV.
Hoàng Hà