Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn đề cao đạo đức cách mạng, chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng không chỉ lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối mà còn bằng cả hành động tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điều đó đòi hỏi Đảng phải thực sự trong sạch, liêm chính, gương mẫu, giữ gìn tư cách đạo đức, thì mới có thể giữ được uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức trong toàn Đảng là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng chứ không phải là biểu hiện của một “Đảng hỏng” như các thế lực thù địch vẫn hay rêu rao
Phòng chống suy thoái đạo đức cách mạng là nhiệm vụ mang tính quy luật của Đảng Cộng sản
Trong lý luận về đảng cộng sản, các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ mới đề cập đến vai trò, lợi thế của đảng trong điều kiện lãnh đạo giành chính quyền, mà chưa nhận diện và lường hết những nguy cơ tha hóa và cơ chế phòng ngừa tha hóa của đảng trong điều kiện đã trở thành đảng cầm quyền. Đến V.I. Lê-nin, trước tình trạng tiêu cực trong Đảng Bônsêvích Nga khi trở thành Đảng cầm quyền, trong quá trình xây dựng Đảng đã có lúc ông bàn đến vấn đề “thanh Đảng” để góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả. V.I. Lê-nin khẳng định, khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng là hạt nhân lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội trên mọi phương diện, trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Cùng với việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, V.I. Lê-nin cũng chỉ rõ những bất cập, những tiêu cực trong Đảng đặc biệt là sự suy thoái của những người cộng sản cần phải được nhận diện và loại bỏ triệt để, bởi nếu không, chúng sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống suy thoái đạo đức trong xây dựng Đảng, ngay từ trước khi thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nhiều hơn cả là vấn đề đạo đức cách mạng. Người khẳng định: “Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[1].
Ngay từ năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9/1960.
Người cũng sớm chỉ ra nguy cơ nhũng lạm của những cán bộ có chức, có quyền, đặc biệt là những người có địa vị, chức vụ cao. Theo Người: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền cao, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”[2].
Cách mạng là sự nghiệp lâu dài, hết sức gian khổ, để đi đến được thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ ấy, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền, người lãnh đạo càng cần phải có đạo đức. Vì vậy, nếu không giữ vững được đạo đức cách mạng thì đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ bị tha hóa, tự đánh mất mình, sa vào suy thoái và hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Đảng trước vận mệnh của quốc gia, dân tộc và đặc biệt là làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin chính trị của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Nắm vững những chỉ dẫn về nội dung, nguyên tắc, biện pháp có giá trị lớn cả về lý luận và thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình ra đời, phát triển và lãnh đạo đã rất chú trọng đến công tác phòng chống suy thoái đạo đức trong Đảng. Bởi lẽ, cả lý luận và thực tiễn cho thấy, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức của đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ cao trong bộ máy của Đảng và Nhà nước là con đường ngắn nhất và trực tiếp hạ thấp, thậm chí thủ tiêu vai trò chính trị, thực lực chính trị và uy tín chính trị của Đảng và Nhà nước ở mức độ trầm trọng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trực tiếp làm cho Đảng đánh mất bản chất giai cấp công nhân, đánh mất vị trí và vai trò tiên phong của người lãnh đạo công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa; và tất nhiên sẽ không còn là đại biểu trung thành cho lợi ích của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Nếu không kịp thời sửa chữa, Đảng sẽ suy thoái, biến chất và nguy cơ chệch hướng chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ hiển hiện. Do đó từ khi thành lập đến nay, Đảng luôn chú trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đặc biệt là phòng chống sự suy thoái về đạo đức. Đảng đã xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên thoái hóa về đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tham ô, tham nhũng nhằm làm trong sạch đội ngũ[3]. Như vậy, phòng chống suy thoái đạo đức trong Đảng là một vấn đề trọng yếu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng. Đến Đại hội XIII của Đảng (2021) việc đưa thành tố xây dựng Đảng về đạo đức đặt ngang tầm với các thành tố xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ thể hiện quyết tâm của toàn Đảng trong việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ Đảng.
Chủ tịch Hồ chí Minh, con người tiểu biểu cho đạo đức sáng ngời của người chiến sỹ cộng sản, suốt đời vì nước, vì dân
Tăng cường phòng chống suy thoái đạo đức cách mạng trong Đảng để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh
Trong bối cảnh hiện nay, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về vai trò của đạo đức cách mạng và phòng chống suy thoái đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng chống suy thoái đạo đức cách mạng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng chứ không phải là biểu hiện của một “Đảng hỏng” như các thế lực thù địch vẫn hay rêu rao.
Nhận thức đúng đắn, toàn diện về sự cần thiết, khách quan của việc phòng chống suy thoái đạo đức là cơ sở để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong hành động, sẽ góp phần giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần kiên trì, kiên quyết, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, xét lại, giáo điều, bảo thủ, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”; những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham ô, tham nhũng, tiêu cực một cách khách quan, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời cần có cơ chế động viên, khích lệ, cổ vũ, bảo vệ cán bộ, đảng viên dám suy nghĩ, hành động, đấu tranh với những biểu hiện, hành vi sai trái, phi đạo đức.
Để thực hiện giải pháp này, các tổ chức đảng, các cấp uỷ cần tiếp tục quán triệt và thực hiện một cách quyết liệt và mạnh mẽ các Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Hơn 90 năm qua, Đảng đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình bằng phẩm chất, đạo đức cách mạng, bằng bản lĩnh, trí tuệ, lý luận tiên phong và được nhân dân hết lòng tin yêu. Việc Đảng kiên quyết đấu tranh phòng chống lại sự suy thoái đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng, để Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh chứ không phải là biểu hiện của một “Đảng hỏng”.
Minh Phụng
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.292-293.
[2].Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.127.
[3] Theo báo cáo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 09/12/2021, từ năm 2016- 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật. Trong đó, 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống (chiếm 60%); 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị (chiếm 33%); 1.722 đảng viên biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (chiếm 6,9%). Trong 8.281 đảng viên bị xử lý kỷ luật do suy thoái về tư tưởng chính trị, nhiều nhất (6.838 đảng viên) là “không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả...”; 477 đảng viên “nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đường chức với lúc về nghỉ hưu”