Trong bối cảnh cả nước đang tập trung nhân lực, vật lực để phòng chống dịch Covid-19, nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn được Đảng ta tăng cường chỉ đạo và tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng ngay trong những tháng đầu của nhiệm kỳ XIII.
Từ đầu năm đến nay, một loạt các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được xử lý, nhiều cán bộ sai phạm đã bị khởi tố, xét xử trong các vụ án trước đây nay tiếp tục bị khởi tố trong vụ án khác.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố và một số đơn vị liên quan.
Còn tại TP.HCM, ông Tất Thành Cang – nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy cùng 11 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong vụ án xảy ra tại Sabeco, gây thất thoát hơn 1.100 tỷ đồng. Tiếp đó, vào ngày 20/8, cơ quan an ninh điều tra - Công an TP.HCM kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và 9 bị can khác cùng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cả 10 bị can bị đề nghị truy tố do liên quan tới sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất ở xã Phước Kiển, Nhà Bè và gần 170.000 m2 đất của dự án khu dân cư ven sông Tân Phong, quận 7 từ công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Việc chuyển nhượng đất không qua đấu giá, trái với quyết định của pháp luật gây thất thoát số tiền rất lớn cho Nhà nước.
Tại Bình Dương, các cơ quan chức năng cũng đã khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam ông Trần Văn Nam - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Từ những vụ việc này cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được đẩy lên một bước cao hơn và là cuộc chiến không ngừng, không nghỉ theo đúng tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII và chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Đức Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) nhận định, trong nhiệm kỳ này, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục được đẩy lên một giai đoạn mới cao hơn, đúng với tinh thần mà Tổng Bí thư đã nói: Công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta không hề chững lại hay chùng xuống. Thực chất đây là một cuộc chiến đầy cam go, phức tạp, phải tiến hành thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm nay đã có trên 70 tổ chức đảng, với 8.000 đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng và cố ý làm trái.
Ngành thanh tra, kiểm toán phát hiện sai phạm về kinh tế gần 55.000 tỷ đồng và hơn 1700 ha đất. Các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố 1850 vụ án với gần 3300 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, kết quả này cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được làm quyết liệt, bài bản.
“Làm theo cơ chế mới, nghĩa là đến mức nào thì xử lý mức ấy, đúng theo tinh thần chỉ đạo không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đảng viên vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật, đến mức phải xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự”- PGS.TS Lê Văn Cường cho biết.
Điểm nhấn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng những tháng đầu của nhiệm kỳ XIII của Đảng, đó là đã dần khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Nếu như trước đây, trong báo cáo của các cấp ủy Đảng địa phương về phòng, chống tham nhũng đều có chung tình trạng không phát hiện được vụ án tham nhũng nào ở địa phương mình, thì nay các cơ quan tư pháp ở địa phương đã khởi tố khá nhiều vụ án và bị can về tội tham nhũng.
Chẳng hạn như Khánh Hòa đã khởi tố 7 vụ với 8 bị can; Thanh Hóa 7 vụ với 16 bị can; Bắc Ninh 6 vụ với 22 bị can; Nam Định, Phú Thọ mỗi tỉnh khởi tố 10 bị can. Đây là tín hiệu cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng càng được đẩy mạnh hơn và không còn ai đứng ngoài cuộc.
Dù đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng và tích cực, thế nhưng Đảng ta xác định tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, từ đó tiếp tục đặt ra các mục tiêu yêu cầu cao hơn đối với công tác này. Bởi chống tham nhũng, tiêu cực, hiệu quả mới có thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng hơn với niềm tin của nhân dân./.
Tiến Anh/VOV1