Tham nhung, phãng phí, tiêu cực - trở lực lớn cho sự phát triển đất nước
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ thông điệp về vấn đề tham nhũng, lãng phí, tiêu cực khi cán bộ, đảng viên “không biết tiếc, biết tôn trọng của công, không biết thương tiếc của cải do mồ hôi nước mắt đồng bào làm ra. Do đó mà đẻ ra xa xỉ. Lương bổng Chính phủ cấp cho chúng ta có hạn mà ta xa xỉ thì lấy tiền đâu? Đã có cái áo rồi còn muốn hai ba cái như thế là lãng phí. Lại muốn mua thứ này thứ khác mà thiếu tiền sinh ra tham ô”[1].
Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là những trở lực kéo lùi sự phát triển của xã hội. Điều nguy hại hơn, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn làm tha hóa, thậm chí mất một bộ phận cán bộ đã được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và làm xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, nhất là đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Những nguy cơ này đã được Đảng nhận thức từ rất sớm. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VII, Đảng thẳng thắn xác định nạn tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”[2], là “thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”[3].
Năm 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII nhận định, nạn tham nhũng “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Nhận định này một lần nữa được Đảng nhắc lại một cách trực diện và thẳng thắn: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Do đó, phòng chống và loại bỏ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là cả quá trình đấu tranh không đơn giản.
Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW với nội dung trọng tâm về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết này. Đến nay, đấu tranh chống lãng phí đã được tích hợp bổ sung thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. “Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm”[4]. Nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa dấy lên sự cấp thiết cần áp dụng biện pháp xử lý cương quyết tình trạng lãng phí đáng báo động hiện nay. Nguồn lực để đầu tư phát triển khi bước vào kỷ nguyên mới sẽ trở nên hạn hẹp nếu để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, cần đặc biệt coi trọng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thông qua một số giải pháp sau:
Trước hết, cần thể chế hóa và thực hiện tốt quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Quan điểm của Đảng về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cần phải được tiến hành đồng bộ mới đạt hiệu quả tối ưu. Quan điểm này được Nhà nước thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền"[5] và các văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013,... Bằng việc xác định rõ các hành vi tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực cùng với khung pháp lý quy định chế tài xử lý các hành vi này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần thực hiện tốt quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định phải chịu trách nhiệm với mức cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018) đã làm rõ tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng. Hành vi lãng phí theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 được xác định là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định[6].
Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định rõ ràng các tội danh tham nhũng gồm 07 tội danh, đó là: Tội tham ô tài sản (Ðiều 353) với mức hình phạt thấp nhất từ 02 đến 07 năm tù, cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình; Tội nhận hối lộ (Ðiều 354) với mức hình phạt thấp nhất từ 02 đến 07 năm tù, cao nhất là tử hình; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Ðiều 355) với mức hình phạt thấp nhất từ 01 đến 06 năm tù, cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358) và Tội giả mạo trong công tác (Điều 359).
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo hướng phù hợp với quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Cụ thể, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, việc xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí. Bộ luật Hình sự quy định hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí. Điều 179 về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Điều 219 về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trên thực tế, các quy định này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như “Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”,v.v.. Lãng phí cơ hội, lãng phí thời gian, lãng phí niềm tin và thậm chí lãng phí chất xám là những lãng phí lớn, có ảnh hưởng nhất, thực tế cho thấy tham nhũng tài sản có thể thu hồi nhưng lãng phí thì không lấy lại được. Với tính chất nghiêm trọng của hành vi lãng phí như vậy, cần thiết phải hoàn thiện luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng quy định chế tài xử lý hành vi này có tính răn đe, phòng ngừa mạnh hơn nữa.
Phòng và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực luôn gắn liền với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Bằng việc hoàn thiện cơ sở pháp luật về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, để không một ai được phép lợi dụng, lạm dụng hay đứng ngoài vòng pháp luật, từ đó chúng ta mới có thể thiết lập một cách vững chắc trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân,...
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm, chính, có quyết tâm chính trị cao
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng quyền lực cán bộ có chẳng qua là quyền lực của nhân dân, được nhân dân ủy thác. Với Người, khi “đồng bào cho lui” tức là một khi cán bộ không thể hoàn thành công việc được nhân dân giao, không còn tín nhiệm với nhân dân, không còn liêm chính, lúc đó phải kịp thời thực hiện các thủ tục miễn nhiệm cán bộ, bãi nhiệm cán bộ hay cán bộ chủ động từ chức. Phòng và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được tiến hành đồng thời với chấn chỉnh và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự liêm, chính, có quyết tâm chính trị cao, làm cho những người này nhận thức đầy đủ về trách nhiệm phục vụ đất nước, phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân của họ chỉ là sự ủy quyền của nhân dân mà thôi.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, góp phần để đất nước thực sự khỏe về kinh tế, hứng khởi về tinh thần, để “làm cho xã hội ta đã tốt đẹp, ngày càng tốt đẹp hơn nữa” vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.609
[2] Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 60, tr. 72
[3] Văn phòng Trung ương Đảng (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội, tr. 196
[4] https://vietnamnet.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-ve-chong-lang-phi-2331386.html
[5] Khoản 2, Điều 8 Hiến pháp năm 2013
[6] Khoản 2 Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013
Long Bùi