Nhận diện những biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”
Tại Đại hội XII (2016), Đảng ta chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ”[1]. Lần đầu tiên “tư duy nhiệm kỳ” đã được định danh và chính thức đưa vào trong văn kiện của Đảng ta.
Biểu hiện chủ yếu của “tư duy nhiệm kỳ” là một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo, quản lý có tư tưởng “thả lỏng”, “buông xuôi”, thờ ơ, bàng quan ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ công tác, trước khi chuẩn bị nghỉ hưu, nghỉ lãnh đạo, quản lý hoặc khi thấy gần hết nhiệm kỳ thì tranh thủ “móc ngoặc”, kết nối để trục lợi, lợi ích nhóm nhằm “vơ vét” của chung, làm lợi cho bản thân.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý mắc vào “tư duy nhiệm kỳ” có biểu hiện ham danh lợi, thích hình thức, sính thành tích, thích “sưu tầm” các danh hiệu thi đua khen thưởng cho cá nhân và tập thể để “đánh bóng tên tuổi”. Vì thế có những cán bộ cấp cao khi đứng trước vành móng ngựa đã trưng ra hơn 80 bằng khen, giấy khen, huân huy chương các loại để mong được giảm án... gây phản cảm trong dư luận xã hội.
Một biểu hiện gần với “tư duy nhiệm kỳ” đó là “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Đó là những người dựa và chức vụ, quyền hạn của mình, tìm mọi sơ hở trong cơ chế, chính sách để “lách luật”, “vớt một mẻ cuối cùng” bằng việc ký quyết định tuyển dụng “cấp tốc”, bổ nhiệm “thần tốc” mua bán các “siêu dự án”, ...để trục lợi cho bản thân.
Sự thiếu trách nhiệm và những hệ lụy tiêu cực của “tư duy nhiệm kỳ” đã làm thui chột động lực cố gắng học tập, rèn luyện, phấn đấu của những cán bộ tốt trong Đảng; tạo nên dư luận rất xấu trong nội bộ. Cán bộ lãnh đạo, quản lý mà có “tư duy nhiệm kỳ” thì cho dù cấp dưới có làm việc tốt, năng động, tích cực, sáng tạo đến mấy cũng sẽ không được hỗ trợ, giúp đỡ, khuyến khích, phát huy, cũng trở thành những công chức làm việc làng nhàng, thui chột tài năng...
Tác hại của “tư duy nhiệm kỳ” còn sinh ra một lứa cán bộ có tâm lý an phận, tự co mình vào trong vỏ bọc nhiệm kỳ, né tránh, đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, không dám đổi mới, sáng tạo, có tâm lý an toàn cho qua nhiệm kỳ… Đây là mối nguy hại rất lớn cho Đảng, làm tổn hại đến danh dự, uy tín của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay.
Phòng, chống “tư duy nhiệm kỳ” góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Để phòng, chống “tư tuy nhiệm kỳ” góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, cần chú trọng đến những giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các chủ thể về biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ”, tác hại của nó để có biện pháp phòng, chống. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cần xác định một cách rõ ràng trong nhận thức, “phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”[2]; “phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”[3]. Không được phép quên đi lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân; khi lợi ích chung của Đảng, của Tổ quốc mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân thì phải sẵn sàng hy sinh lợi ích của cá nhân mình; kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân để không rơi vào bệnh “tư duy nhiệm kỳ”.
Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội để đẩy lùi bệnh “tư duy nhiệm kỳ”. Cần có những quy định xử lý trách nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tổ chức ở đơn vị để xảy ra những ảnh hưởng của “tư duy nhiệm kỳ” như chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa biến chất, tham nhũng, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm...thì phải từ chức hoặc miễn nhiệm. Xây dựng cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả trong toàn bộ hệ thống chính trị. Phải cần xây dựng và thực thi những thiết chế về kiểm soát quyền lực trong nội bộ Đảng. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, việc làm trái với các quy định của Đảng, nhà nước trong công tác cán bộ. Xử lý nghiêm hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền ở cơ quan, đơn vị mình lãnh đạo. Tăng cường xây dựng cơ chế giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân trong phòng, chống ảnh hưởng tiêu cực của '”tư duy nhiệm kỳ”. Thông qua hoạt động giám sát của các tổ chức quần chúng để kịp thời phát hiện những mầm mống của bệnh “tư duy nhiệm kỳ”, từ đó chủ động ngăn ngừa, xử lý những cán bộ, đảng viên có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Ba là, nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đấu tranh ngăn chặn bệnh “tư duy nhiệm kỳ”. Lấy sự gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo giữ chức vụ cao trong hệ thống chính trị là điều tiên quyết. Luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực nghề nghiệp để căn bệnh “tư duy nhiệm kỳ” không thể trở thành một trào lưu. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thường xuyên bám sát các tiêu chí, quy định về nêu gương, về chuẩn mực đạo đức cách mạng trong thời kỳ đổi mới để “tự soi”, “tự sửa” từ lời nói, việc làm đến tự tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ, sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân làm cơ sở để tiếp tục “xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân”[4].
[i1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.213
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 547
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 547
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội,
Lam Khê