Tiếp nối phong trào đấu tranh mạnh mẽ những năm trước, trong những năm 1971-1975, phong trào đấu tranh của đồng bào đô thị miền Nam diễn ra hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là sau Hiệp định Paris, nhằm mục tiêu hòa bình, dân chủ và thống nhất đất nước, cùng quân và dân cả nước tiến tới toàn thắng vào ngày 30/4/1975
Tháng 1/1971, phong trào học sinh, sinh viên chống tăng học phí, chống quân sự hóa học đường, chống đàn áp, khủng bố tiếp tục diễn ra sôi động.
Ngày 27/1/1971, học sinh trường Bồ Đề đấu tranh, ngày 28/1, học sinh trường Phan Sào Nam đấu tranh. Các cuộc đấu tranh lôi cuốn hàng chục trường tư thục trong thành phố. Tổng đoàn học sinh các tỉnh và 40 đoàn thể quần chúng lên tiếng ủng hộ học sinh, sinh viên.
Ngày 29/1/1971, 40.000 công nhân thuộc 26 nghiệp đoàn bãi công làm thành phố tê liệt 2 ngày liền. Công nhân đấu tranh phản đối thuế lương bổng của chính quyền Thiệu.
Tháng 3/1971, hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân và lao động nổ ra tại Sài Gòn chống 7 biện pháp kinh tế mới của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Từ tháng 4 đến tháng 8, học sinh, sinh viên tiếp tục đấu tranh, học sinh người Hoa ra báo Hoa Phong đấu tranh chống đường lối văn nghệ trụy lạc của chính quyền Sài Gòn.
Nổi bật là cuộc đấu tranh của công nhân Hãng pin Con Ó và 10 vạn công nhân, tư chức thuộc 21 nghiệp đoàn Sài Gòn bãi công đòi hủy thuế lương bổng.
Từ tháng 8/10/1971, phong trào đấu tranh chống bầu cử gian lận, lập các ủy ban chống bầu cử gian lận, chống bầu cử độc diễn. Trong tháng 8/1971 có 45 cuộc đấu tranh của công nhân. học sinh, sinh viên đấu tranh đốt 9 xe Mỹ, rải hàng nghìn truyền đơn chống Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu, tổ chức biểu dương lực lượng nhân dịp đám tang Phạm Hạnh với 10.000 người dự, 2.000 sinh viên tập quân sự tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung bãi khóa...
Ba tháng đầu năm 1972, có 150 cuộc đấu tranh của công nhân, lao động, trong đó nổi bật là cuộc bãi công ngày 17 và 18 /3/1972 của 5.000 công nhân cảng đòi tăng lương.
Thành Đoàn Sài Gòn- Chợ Lớn chỉ đạo thành lập Ủy ban bảo vệ tài sản và tính mạng của sinh viên. Ngày 18/3/1972, phiên tòa xử Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi biến thành diễn đàn đấu tranh của học sinh, sinh viên.
Báo chí tiến bộ miền Nam đấu tranh trong "Ngày ký giả đi ăn mày" 10/10/1974 (Ảnh tư liệu)
Ngày 18/3/1972, 1.500 sinh viên bãi khóa phản đối chính quyền bắt giam sinh viên trái phép. Các hành động đốt xe Mỹ tăng nhanh.
Ngày 8/4/1972, hàng nghìn sinh viên tại 13 phân khoa đại học bãi khóa trong 4 ngày, chống chính quyền bắt sinh viên vào phòng vệ dân sự và chống đàn áp.
Ngày 13/4/1972, 17 tổ chức hòa bình và đoàn thể quần chúng tại miền Nam, trong đó có Tổng hội sinh viên Sài Gòn, Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình và Phong trào phụ nữ đòi quyền sống ra Tuyên bố chung đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Nixon đi vào đàm phán thực chất và chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình tại Việt Nam.
Ngày 22/6/1972, 17 nghiệp đoàn ở đô thị miền Nam ra kiến nghị phản đối chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chèn ép, cắt xén quyền lợi, sa thải công nhân vô cớ.
Thành ủy tăng cường lãnh đạo công tác báo chí, duy trì nội san của một số nghiệp đoàn và ra một số nội san mới. Hàng chục tờ báo của công nhân, học sinh, sinh viên tạo nên cuộc đấu tranh sôi nổi trên báo chí đấu tranh cho nguyện vọng của quần chúng lao động. Tiêu biểu là những tờ báo, nội san như Học sinh, Sinh viên, Văn khoa, Đất sống, Đồng hành, Đòi quyền sống, Ngòi bút, Chí Linh, Lên đường....
Sau Hiệp định Paris, các phong trào đấu tranh chính trị tập trung đòi thả tù chính trị, phản đối bắt lính, thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc, xây dựng Chính phủ liên hiệp...
Từ tháng 3 đến tháng 5/1973, công nhân các hãng dầu đấu tranh đòi tăng lương, chống khủng bố, đòi tự do dân chủ, bãi bỏ các thứ thuế vô lý. Nổi bật là cuộc đấu tranh của 4.000 công nhân xe lửa, nổ ra từ tháng 3 đến tháng 5, trong đó có hai cuộc tổng đình công trong toàn ngành. Cuộc đấu tranh được một số nghị sĩ đối lập và công chức ủng hộ. Thành ủy đánh giá: “Cuộc đấu tranh của công nhân hỏa xa là một điển hình của phong trào đấu tranh chính trị ở thành phố, làm nổi bật được vai trò giai cấp công nhân, lực lượng nòng cốt trong phong trào đấu tranh chung ở đô thị”.
Khi chính quyền Sài Gòn tăng các loại thuế, đặc biêt là thuế giá trị gia tăng, vật giá leo thang 30-50 %, nổ ra phong trào chống đối quyết liệt đồng bào đô thị.
Ngày 17/7/1973, 200 hộ tư thương chợ Kim Biên họp đại hội, ngày 30/7, 300 đại biểu nghiệp đoàn họp lên án, ngày 1/8, 150 đại biểu giới chủ xe đò chạy tuyến miền Trung cử 9 đại biểu đến Ty Thuế vụ, ngày 2/8, 700 đại biểu của 150 nghiệp đoàn Đô thành đấu tranh đòi bỏ thuế VAT.
Tháng 8/1973, tại Sài Gòn nổ ra phong trào đấu tranh đòi hạ giá hàng, đòi tăng lương trong lúc cơn sốt gạo đang diễn ra trầm trọng.
Tháng 10/1973, có nhiều cuộc đấu tranh chống sa thải, đòi tăng phụ cấp đắt đỏ của công nhân các hãng dầu SHELL, PACIFIC, VIDOPIN, CARIC.... trong đó nổi bật là cuộc tuyệt thực của 1.200 công nhân hãng dệt Sicovina ngày 23/10 ủng hộ yêu sách của Liên đoàn công nhân kỹ nghệ bông vải đòi tăng phụ cấp đắt đỏ và trợ cấp xã hội.
Tháng 4/1974, Ban Công vận Thành ủy lãnh đạo đấu tranh đòi giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20 vạn người thất nghiệp.
Tháng 6/1974, 12.000 công nhân lái xe tắc xi đòi giảm giá xăng dầu, 800 công nhân xích lô đòi giảm giá tiền thuê xe và công nhân các cư xá Mỹ nhất loạt bãi công, tuyệt thực.
Ngày 18/6/1974, tại Sài Gòn, 301 linh mục đạo Thiên chúa họp báo, tuyên cáo chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng, bất công và gây ra các tệ nạn xã hội trầm trọng. Các tổ chức chính trị của các ngành, giới, đẩy mạnh hoạt động. Phong trào thanh niên trốn lính và chống quân sự hóa học đường tiếp tục diễn ra.
Đồng bào Sài Gòn đấu tranh đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, năm 1974 (Ảnh tư liệu)
Từ tháng 9/1974 đến tháng 3/1975, Thành ủy Sài Gòn đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị: Phong trào chống sa thải công nhân tại nhiều nghiệp đoàn và xí nghiệp, Phong trào cứu đói, công nhân phá kho thóc gạo chia cho người nghèo.
Ngày 26/9/1974, Ban Công vận Thành lập Ủy ban bảo vệ quyền lao động do linh mục Lê Khắc Từ làm Chủ tịch, trong một thời gian ngắn, Ủy ban đã quy tụ gần 30 tổ chức của nhiều nghiệp đoàn, liên đoàn, tổng liên đoàn và trên 20 nhân sĩ, trí thức. Các khẩu hiệu đấu tranh do Ủy ban nêu ra bên cạnh các khẩu hiệu đòi những quyền lợi về kinh tế luôn có các khẩu hiệu mang tính chính trị đòi lật đổ Nguyễn Văn Thiệu.
Những tháng cuối 1974, cao trào đấu tranh chính trị chống chế độ độc tài, tham nhũng bóp nghẹt tự do, dân chủ của chính quyền Sài Gòn đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức lên mạnh mẽ.
Ngày 10/10/1974, hàng vạn đồng bào và giới báo chí Sài Gòn xuống đường đấu tranh đòi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bãi bỏ Sắc luật 007 (bắt chủ báo phải nộp trước 20 triệu đồng để bảo đảm án phí và tiền bồi thường khi báo bị coi là có tội) và đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Đi đầu là 400 nhà báo mang theo bị, gậy “đi ăn mày” vì chính sách của Chính phủ, tiếp theo là đoàn ni cô và đại biểu các tổ chức Mặt trận nhân dân cứu đói, Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, Ủy ban lao động đòi quyền sống, Phong trào nhân dân chống tham nhũng, Lực lượng hòa giải dân tộc,Trung tâm văn bút... và nhiều dân biểu đối lập. Ngày 13/10, 29 tờ báo nhất loạt đình bản phản đối. Đêm 31/10, hơn 5.000 đồng bào Sài Gòn đốt đuốc biểu tình đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngay lập tức.
Ngày 20/10/1974, Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động miền Nam tổ chức cuộc xuống đường quy mô lớn, hô to các khẩu hiệu đả đảo Nguyễn Văn Thiệu, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đòi cơm áo, hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Paris,....xung đột với cảnh sát.
Ngày 20/11/1974, hơn 1.000 người biểu tình tại Sài Gòn kêu gọi thả tù chính trị, kêu gọi bất tín nhiệm tổng thống.
Cuối năm 1974 đều năm 1975, Phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh liên tục ra các bản cáo trạng nêu đích danh những vụ tham nhũng của gia đình Nguyễn Văn Thiệu, làm cho sự ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu giảm nhanh.
Ngày 25/1/1975, 18 đoàn thể chính trị ký chung 1 kiến nghị đòi Mỹ chấm dứt viện trợ cho Nguyễn Văn Thiệu, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Ngày 1/2/1975, 23 tổ chức công bố chung một bản cáo trạng, tố cáo Nguyễn Văn Thiệu là sản phẩm của chiến tranh, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Thành đoàn nắm một số tổ chức công khai như Tổng hội sinh viên Sài Gòn, Tổng đoàn học sinh Sài Gòn, Đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn, Đoàn công tác xã hội, Mặt trận nhân dân cứu đói, Đoàn sinh viên Phật tử…
Tháng 4/1975, tại Sài Gòn, công nhân các xí nghiệp Liên Phương, Sicovina, Vimytex, Vinatexco kiên quyết bảo vệ nhà máy, chống địch phá hoại trước khi rút lui. Công nhân các hãng Shell, ESSO tự động đứng ra thành lập ủy ban bảo vệ nhà máy. Lực lượng chính trị dẫn đường cho quân giải phóng tiến công sào huyệt địch tại Sài Gòn.
Như vậy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào đấu tranh của đồng bào đô thị miền Nam, tiêu biểu là đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã liên tục nổ ra, giành nhiều thắng lợi. Phong trào đấu tranh chính trị đã hỗ trợ hiệu quả đấu tranh quân sự và ngoại giao, làm suy giảm những cố gắng chiến tranh của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, làm cho thế giới thấy được bộ mặt thật của chính quyền Sài Gòn và làm cho chính quyền đó liên tục chìm trong khủng hoảng.
Trong những ngày tháng 4/1975 lịch sử, phong trào đấu tranh chính trị của đồng bào Sài Gòn hòa chung vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 của toàn quân, toàn dân ta, tiến tới ngày 30/4 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
An Lê