Những năm giữa thế kỷ XVI, chủ nghĩa tư bản (CNTB) được xác lập tại Châu Âu và lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Trong quá trình phát triển, đến nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai, CNTB đã tạo ra năng suất lao động cao hơn hẳn giai đoạn trước và một nền văn minh công nghiệp chưa từng có trong lịch sử. Từ đó, trong nền kinh tế của các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN) xuất hiện các công ty có quy mô rất lớn là các tổ chức kinh tế độc quyền.
Sự phân chia thế giới về mặt kinh tế được chủ nghĩa đế quốc tăng cường bằng phân chia thế giới bằng lãnh thổ.
Từ giữa thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ăngghen đã có nhận định về sự phát triển của khoa học-công nghệ, của lực lượng sản xuất dưới tác động của cơ chế thị trường tự do cạnh tranh sẽ hình thành độc quyền. Nhưng đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, CNTB chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, trên cơ sở quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã nghiên cứu thực tế, phân tích và đưa ra học thuyết của mình về chủ nghĩa tư bản độc quyền trong tác phẩm “Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”. Ông đã chứng minh sự phát triển tất yếu của CNTB tự do cạnh tranh và sự hình thành các doanh nghiệp TBCN lớn trong nền kinh tế TBCN và CNTB tất yếu phát triển lên chủ nghĩa độc quyền. Từ đó, ông đã phân tích và chỉ ra năm đặc trưng của chủ nghĩa đế quốc:
Một là, quá trình tích tụ và tập trung sản xuất làm cho nền kinh tế TBCN phát triển lên trình độ cao đã tác động đến quá trình hình thành các tổ chức độc quyền nhất định trong nền kinh tế. Các tổ chức độc quyền liên minh, liên kết với nhau để khống chế các hoạt động kinh tế TBCN và thực hiện lợi ích kinh tế của chúng.
Hai là, tập trung sản xuất trong ngân hàng làm xuất hiện độc quyền ngân hàng, và trở thành sức mạnh khống chế các hoạt động công nghiệp. Sự phát triển của độc quyền từ công nghiệp sang ngân hàng và sự liên kết của chúng đã làm cho độc quyền trở thành sự thống trị trong nền kinh tế và hình thành tư bản tài chính và bọn đầu sỏ tài chính.
Ba là, các tổ chức độc quyền mở rộng sự thống trị sang các quốc gia khác thông qua sự phát triển của xuất khẩu tư bản. Lợi nhuận độc quyền cao từ các hoạt động xuất khẩu tư bản đã trở thành cơ sở vững chắc để cho chủ nghĩa đế quốc bành chướng sự bóc lột, tạo ra sự ăn bám của chế độ TBCN.
Bốn là, độc quyền phát triển ra phạm vi thế giới và lại được sự "chống lưng" của nhà nước tư bản dẫn đến sự thống nhất trong quá trình đầu tư, tìm nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ trên toàn thế giới và dẫn đến thỏa hiệp để củng cố địa vị độc quyền trong những lĩnh vực và thị trường nhất định hay đó là sự phân chia thế giới về mặt kinh tế giữa các tổ chức độc quyền.
Năm là, sự phân chia thế giới về mặt kinh tế được tăng cường bằng phân chia thế giới bằng lãnh thổ. Các nước đế quốc xâm chiếm thuộc địa với mục đích về kinh tế đồng thời thực hiện các mục tiêu chính trị và quân sự. Tuy nhiên, khi sự phân chia lãnh thổ được hình thành và phát triển không đều giữa các nước TBCN dẫn đến các cuộc chiến tranh đòi chia lại thế giới.
Năm đặc trưng được V.I.Lênin đưa ra đã chứng minh được nguồn gốc hình thành và sự phát triển lớn mạnh của các tổ chức độc quyền, đồng thời chỉ ra bản chất bóc lột của CNTB trong giai đoạn độc quyền trên các phương diện: về kinh tế là sự thống trị của của các tổ chức độc quyền; về chính trị là sự bành trướng, hiếu chiến và xâm lược.
Giai đoạn tiếp theo, sau những tác động của các cuộc khủng hoảng và chiến tranh thế giới lần thứ II, CNTB chuyển sang giai đoạn CNTB độc quyền nhà nước. Từ những năm 70 của thế kỷ XX, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba đã tạo ra tiền đề về khoa học - công nghệ đẩy mạnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và là giai đoạn của chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia.
Hiện nay, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó.
Đến đầu thế kỷ XXI, khi diễn ra cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, lực lượng sản xuất và khoa học - công nghệ phát triển rất nhanh dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các công ty xuyên quốc gia, công ty đa quốc gia. Các nguồn vốn đầu tư từ ngoài xã hội được thu hút thông qua sự phát triển của công ty cổ phần và thị trường chứng khoán, làm cho sở hữu tư nhân được xã hội hóa trong nền kinh tế,làm cho CNTB tỏ ra mang bản chất dân chủ và xã hội hơn, dường nhưtrái với bản chất bóc lột trước đây. Mặt khác, các nhà nước tư sản hay các tập đoàn kinh tế ít nhiều đều có sự điều chỉnh trong các chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động, điều kiện làm việc và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Trước những điều chỉnh của CNTB ngày nay, có những quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng các đặc điểm về CNTB độc quyền được V.I.Lênin đưa ra chỉ đúng với giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên, cho dù có sự điều chỉnh nhưng các đặc trưng được V.I.Lênin nêu ra vẫn còn nguyên giá trị và có những bước phát triển mới trên nền tảng cũ. CNTB ngày nay phát triển cao hơn, tạo cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển nhưng tăng nhanh hơn sự phụ thuộc của các nước kém phát triển; tăng sự phân hóa hai cực giàu và nghèo trên thế giới và tác động đến các hoạt động về kinh tế - chính trị, quân sự trên phạm vi toàn cầu.
Hiện nay, các công ty xuyên quốc gia, các nước TBCN phát triển cạnh tranh nhau gay gắt trong việc giành giật thị trường, nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực,... Các tổ chức quốc tế, khu vực được hình thành và phát triển về cơ bản không giải quyết được các vấn đề cạnh tranh và bóc lột. Các nước tư bản không thực hiện chiến tranh vũ trang xâm lược và biến các nước nghèo thành thuộc địa để bóc lột như thời kỳ chủ nghĩa thực dân; quan hệ giữa các nước kém phát triển và các nước tư bản phát triển nhìn bề ngoài là bình đẳng, cùng có lợi nhưng thực chất là quan hệ bất bình đẳng. Các nước tư bản thông qua sức mạnh của tiền vốn, công nghệ, thông qua các hình thức đầu tư, hỗ trợ để thực hiện các chiến lược về "biên giới mềm", "biên giới tài chính", "biên giới kinh tế" hay còn gọi là "chiến tranh không có khói súng" để tăng sự phụ thuộc của các nước đang phát triển.
Như vậy, có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay mặc dù có những điều chỉnh và biểu hiện mới,song bản chất bành chướng, bóc lột của CNTB là không thể phủ nhận và do đó không thể bác bỏ được những đặc trưng về chủ nghĩa tư bản độc quyền đã được V.I.Lêninnêu ra. Trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản rằng: "chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn… Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước...Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”.
Bảo Hà