Sản xuất công nghiệp duy trì ổn định và phát triển; đã thu hút đầu tư và đưa vào sản xuất một số sản phẩm công nghiệp mới, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước. Quy mô ngành công nghiệp tăng 11,6 lần so với năm 2000. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong toàn ngành kinh tế tăng từ 28% năm 2000 lên 34,1% năm 2020, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 80,1% ngành công nghiệp của tỉnh. Sau 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, sản xuất công nghiệp năm 2023 đã có bước phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế [1]. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đời sống. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô, phương thức kinh doanh từng bước đổi mới. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng huy động sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong việc xác định nhu cầu thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thành phố Việt Trì được xác định là hạt nhân, đầu tàu lôi kéo các địa phương trong tiểu vùng Tây Bắc
(Ảnh: Báo Phú Thọ điện tử)
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, quy mô tổng sản phẩm của tỉnh Phú Thọ mới ở mức trung bình trên cả nước. Năm 2022, GRDP của tỉnh đạt 89.398,1 tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 3/14 tỉnh Vùng trung du và miền núi phía Bắc)[2]. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và các yếu tố đầu vào (vốn, lao động) của nền kinh tế, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp; tăng trưởng kinh tế chưa tạo ra bứt phá, vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ của Trung ương. Năng lực cạnh tranh và quy mô của nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn hạn chế, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ vân chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghiệp chưa đi vào chiều sâu về chất lượng, hiệu quả. Dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, các ngành dịch vụ có chất lượng, giá trị gia tăng cao phát triển chậm. Sản xuất nông nghiệp chưa thật sự bền vững, quy mô hộ nhỏ lẻ thiếu liên kết. Tiềm năng và dư địa phát triển còn nhiều nhưng chưa phát huy hết [3].
Từ thực tiễn trên, để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu sớm đưa Phú Thọ trở thành trung tâm kinh tế của vùng, tỉnh cần tập trung phát triển kinh tế theo hướng đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về quy mô, chất lượng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trên cơ sở phát huy có hiệu quả các lợi thế so sánh gắn với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và tiến bộ khoa học - công nghệ. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm trên 85% trong GRDP của tỉnh. Phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ, đô thị đồng bộ. Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại nhằm tạo đột phá về công nghệ trong sản xuất đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp.
Khu công nghiệp Thuỵ Vân (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
(Ảnh: Báo Đấu thầu)
Phát triển mạnh dịch vụ kho bãi, logistics… phục vụ hoạt động xuất - nhập khẩu và các hoạt động sản xuất công nghiệp - xây dựng. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất gắn với giải quyết thị trường đầu ra cho nông sản. Nâng cao trình độ công nghệ, phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại. Đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, trồng và chuyển hoá cây gỗ lớn để nâng cao năng suất rừng trồng và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản.
Đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và phù hợp Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc các ngành, lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia và các nhà khoa học; đẩy mạnh hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng.
Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động khoa học, công nghệ; gắn kết chặt chẽ giữa khoa học với ứng dụng sản xuất, hướng trọng tâm hoạt động khoa học và công nghệ vào phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; phát huy mọi năng lực sáng tạo của mọi chủ thể trong nền kinh tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm, nêu gương, năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể trong nền kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh thực hiện có hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
[1], [2] Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ, Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2022, Ngày đăng: 29/12/2022 22:26.
[3] Báo cáo số 180-BC/TU ngày 17/5/2022 của Tỉnh uỷ Phú Thọ về kết quả thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2001-2020, định hướng trong thời gian tới.
Hoàng Bắc - Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ