Những thành quả sau 15 năm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
Thứ nhất, các ngành kinh tế biển phát triển mạnh. Ngành thủy sản tiếp tục phát triển cao, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Riêng năm 2020, đóng góp khoảng 44% tổng giá trị xuất khẩu.
Ngư dân thành phố Tuy Hòa chuyển cá ngừ đại dương lên bờ sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển
(ảnh: Internet)
Du lịch và dịch vụ biển có bước chuyển biến tích cực, bước đầu đã phát huy được lợi thế để dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Khách du lịch đến Phú Yên ngày càng tăng; tổng doanh thu hoạt động du lịch năm 2019 hơn 2.200 tỷ đồng, gấp hơn 02 lần so với năm 2015. Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hình thành một số khu du lịch cao cấp, khu du lịch biển, tạo bước đột phá trong phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển ở Phú Yên[1].
Kinh tế hàng hải bước đầu hình thành. Hệ thống cảng và dịch vụ cảng biển đang trên đà phát triển, từng bước được đầu tư, hoàn thiện; lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu thuyền đã đáp ứng cơ bản nhu cầu cho bà con ngư dân.
Công nghiệp ven biển từng bước phát triển. Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư; thu hút nhà đầu tư triển khai và đưa vào hoạt động một số nhà máy sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra sản phẩm mới. Đã hình thành 05 khu công nghiệp tập trung ven biển với tổng diện tích hơn 460ha, tỷ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%; Khu Kinh tế Nam Phú Yên với diện tích hơn 20.700 ha - là một trong tám Khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước.
Cảng Vũng Rô - hạng mục hạ tầng quan trọng của Khu kinh tế Nam Phú Yên
(ảnh: Internet)
Năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển. Thúc đẩy đầu tư hoàn thành, đưa vào hoạt động nhiều nhà máy như: Nhà máy điện sinh khối KCP (giai đoạn 1) công suất 30MW, Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội công suất 214,16MW, Nhà máy điện mặt trời Europlast công suất 50MW, Nhà máy điện mặt trời Thịnh Long công suất 50MW, Nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1 công suất 49,6MW, Nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 2 công suất 49,6MW.
Thứ hai, nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển được chú trọng phát triển. Đã đa dạng hình thức đào tạo nghề cho người lao động vùng biển, trong đó tập trung các ngành nghề như đánh bắt, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản, … gắn với chuyển giao kỹ thuật và quy trình sản xuất tiên tiến cho các hộ ngư dân, các làng nghề, các vùng sản xuất chuyên canh. Đến nay, trong các lĩnh vực đều có lao động lành nghề.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Công tác khuyến công, khuyến ngư để ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ sản xuất cho các ngành kinh tế biển được quan tâm.
Thứ tư, kinh tế biển đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được bảo đảm. Chủ quyền, an ninh trên biển được giữ vững.
Để kinh tế biển của Phú Yên phát triển mạnh, bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế biển ở tỉnh Phú Yên trong thời gian qua còn những hạn chế như: Tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển của tỉnh chưa được khai thác hiệu quả; hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển còn thiếu và yếu; du lịch biển chưa có những sản phẩm đặc trưng, nguồn nhân lực còn hạn chế; quản lý vùng nuôi trồng thủy sản chưa tốt, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát ở một số địa phương vẫn còn diễn ra... Khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biển chưa được quan tâm đúng mức[2].
Để đến năm 2030 đưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, đến năm 2045 trở thành địa phương phát triển kinh tế biển mạnh, bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững chung của cả nước, Phú Yên chọn 03 khâu đột phá: (1) Hoàn thiện chính sách phát triển bền vững kinh tế biển, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch liên quan đến biển; (2) Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; (3) Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ. Đồng thời, đề ra những giải pháp cụ thể như sau:
- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với phát triển kinh tế biển.
- Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý, thực hiện các quy hoạch và tăng cường liên kết vùng.
- Huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển vùng biển và ven biển, nhất là đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, thủy sản, hạ tầng đô thị... làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội.
- Phát triển bền vững, đột phá các ngành kinh tế biển. Khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là về đất đai, cảnh quan thiên nhiên, các di tích, danh thắng, giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư địa phương...
- Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển.
- Bảo tồn và phát huy văn hóa vùng biển; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai.
- Tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Phát triển kinh tế biển gắn chặt với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế trên biển.
[1] Tỉnh ủy Phú Yên: Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 11/9/2020 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
[2] Tỉnh ủy Phú Yên: Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy Phú Yên về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu Kinh tế Nam Phú Yên.
Hoàng Bách