Mảnh đất trời phú và yên bình như tên gọi: Phú Yên, có chiều dài bờ biển là 189km với nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, rất thuận lợi cho sự phát triển du lịch. Những điểm đến hấp dẫn du khách như Mũi Đại Lãnh – điểm cực Đông của Tổ quốc; danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa – Di tích quốc gia đặc biệt, với vẻ đẹp của các lớp trụ đá đen xếp chồng lên nhau giống như một tổ ong thiên tạo khổng lồ; di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn – Di tích quốc gia đặc biệt (ngọn tháp do người Chăm xây dựng từ thế kỉ XII trên núi Nhạn); Nhà thờ Mằng Lăng được khởi công xây dựng năm 1982, nơi lưu giữ cuốn sách về chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta; Di tích khảo cổ cấp quốc gia Thành An Thổ, đây cũng là nơi sinh của cố Tổng Bí thư Trần Phú, và nhiều địa điểm hấp dẫn du khách ở xứ “hoa vàng trên cỏ xanh” như Bãi Xép; Hòn Chùa; Hòn Nưa; Vịnh Vũng Rô, Vịnh Xuân Đài, Vịnh Hòa; Đầm Ô Loan... Tiềm năng du lịch từ những nét đẹp hoang sơ của thiên nhiên kết hợp cùng với bản sắc văn hóa độc đáo của 32 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh có thể phát triển các loại hình du lịch như: du lịch biển đảo; du lịch văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh; du lịch ẩm thực; làng nghề,... kích thích nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bãi Xép - một bãi biển tuyệt đẹp ở xã An Chấn huyện Tuy An tỉnh Phú Yên
(ảnh: internet)
Tỉnh đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch cùng với những chính sách thu hút nguồn vốn từ các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030. Năm 2020, toàn tỉnh có 370 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 6.040 buồng (tăng hơn 240 cơ sở và 3.380 buồng so với năm 2015), có 3 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, có hơn 900 buồng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao (tăng 400 buồng so với năm 2015).
Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa – di tích quốc gia đặc biệt (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An)
(Ảnh: Đinh Thị Quỳnh)
Tính đến nay, tỉnh Phú Yên có 8 khu di tích, danh thắng được công nhận điểm du lịch; tổng lượng khách du lịch năm 2019 đạt 1,83 triệu lượt, gấp hơn 2 lần so với năm 2015 (trong đó khách quốc tế hơn 45.000 lượt). Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn có khoảng 1,2 triệu lượt du khách đến Phú Yên, trong đó hơn 7000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu hoạt động du lịch năm 2019 hơn 2.200 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với năm 2015), năm 2020 đạt khoảng 800 tỷ đồng.
Tuy du lịch đã có tăng trưởng tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu dịch vụ vui chơi giải trí về đêm và các sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Việc đầu tư và thu hút đầu tư cho các hạ tầng, dịch vụ thiết yếu phục vụ du lịch tại các khu di tích, danh thắng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhận thức rõ thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên trong thời gian qua, trong giai đoạn 2020-2025, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII đã đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể: Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu tốc độ phát triển ngành du lịch khoảng 14%/năm. Tập trung phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh. Tăng cường thu hút đầu tư, hình thành một số khu du lịch đặc trưng của Phú Yên mang tầm quốc gia và khu vực (tại Vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, Vịnh Vũng Rô…). Đầu tư xây dựng Vịnh Xuân Đài từng bước đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, chú trọng phát triển hạ tầng du lịch thiết yếu tại các di tích, danh thắng. Khuyến khích nghiên cứu phát triển các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của địa phương phục vụ du lịch. Phối hợp, tạo điều kiện, thúc đẩy các dự án du lịch lớn đã và đang nghiên cứu triển khai, sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động: các dự án du lịch tại Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa, Khu nghỉ dưỡng cao cấp bãi Từ Nham, Khu du lịch cao cấp đảo Hòn Nưa, Hòn lao mái nhà, Khu du lịch sinh thái Bãi Nồm, Khu du lịch tâm linh sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ, Khu du lịch liên hợp cao cấp NewCity Việt Nam và các dự án du lịch ven biển Thành phố Tuy Hòa,…
Với những nhiệm vụ và giải pháp trên, mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Phú Yên sẽ thu hút trên 4 triệu lượt khách đến tỉnh, trong đó khách quốc tế hơn 50 nghìn lượt. Tỉnh Phú Yên sẽ khai thác và phát huy lợi thế về tài nguyên du lịch biển, đảo, đầm, vịnh, và nét văn hóa đặc trưng của tỉnh Phú Yên để phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại.
Quỳnh Hoa