PGS.TS Đào Việt Hà và cộng sự Viện Hải dương học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa hoàn thành phục chế 415 bản đồ, số hoá 739 bản đồ và xây dựng thành công cơ sở dữ liệu (CSDL) của 2.224 tờ bản đồ trong bộ bản đồ cổ thời Pháp về biển Việt Nam và Biển Đông.
Đây là nguồn tư liệu quý giá không chỉ đối với các học giả nghiên cứu trong nước và quốc tế về vùng Biển Đông mà còn là minh chứng khoa học có giá trị, góp phần thực thi chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
PGS.TS Đào Việt Hà cho biết, trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, cùng với những công trình nghiên cứu trên vùng biển Việt Nam và Biển Đông, Viện Hải dương học cũng lưu giữ nhiều tư liệu sách, tạp chí và bản đồ có giá trị. Trong đó, bộ tài liệu quý hiếm về hải dương học còn được lưu trữ với 2.224 mảnh bản đồ, hải đồ, ảnh máy bay của 739 bản đồ (một bản đồ có thể có nhiều mảnh).
Kho tư liệu bản đồ của Viện được phân loại theo các nội dung bao gồm bản đồ biển, bản đồ hàng hải, bản đồ độ sâu, bản đồ Biển Đông, bản đồ Việt Nam, bản đồ địa chất Việt Nam... Bản đồ lâu đời nhất được xuất bản vào năm 1831 và hầu hết số bản đồ biển trước năm 1975 được xuất bản tại Pháp và một số do Hải quân Mỹ phát hành.
Ngoài ra, một số bản đồ tuyến phòng thủ bờ biển phía Bắc Việt Nam (bản đồ quân sự) do Hải quân Nhân dân Việt Nam xuất bản từ trước năm 1955 đến năm 1976. Điển hình là bộ bản đồ độ sâu Biển Đông cảnh báo vùng đánh bắt nguy hiểm ở Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ về san hô, thềm lục địa từ vịnh Bắc Bộ đến Hoàng Sa, Trường Sa, đến vịnh Thái Lan và vùng chồng lấn Natouna gần Indonesia. Bản đồ các đảo đá san hô Thị Tứ, Loại Ta, Subi ở quần đảo Trường Sa…
Bộ tư liệu bản đồ này có giá trị quan trọng đối với các nghiên cứu lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa, chủ quyền biển đảo của Việt Nam, phục vụ công tác đấu tranh ngoại giao về việc thực thi chủ quyền. Đây cũng là bộ tư liệu quý phục vụ công tác tham khảo, so sánh sự thay đổi địa hình, địa mạo vùng ven biển Việt Nam với số liệu nghiên cứu đo đạc và tư liệu bản đồ mới hiện nay.
Tuy nhiên, qua thời gian lưu trữ lâu, hầu hết các bản đồ đã bị xuống cấp nghiêm trọng do tình trạng vật lý của giấy bị thay đổi, có nguy cơ mục nát, hư hỏng. Do đó, việc phục chế, số hoá và xây dựng CSDL nguồn tài liệu này là nhiệm vụ cần thiết.
Trong khuôn khổ nhiệm vụ, nhóm thực hiện đã phục chế 415 bản đồ biển Việt Nam và Biển Đông xuất bản năm 1831-1948 bằng phương pháp bồi nền, gia cố 2 mặt bản đồ bằng giấy dó Nhật Bản và giấy dó Việt Nam theo đúng quy trình của Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV ở Đà Lạt.
Nhóm nghiên cứu đã số hoá 739 bản đồ và lưu trữ dưới định dạng PDF và PNG có độ phân giải 300 dpi, sắc nét và không sai lệch về mặt thông tin với bản đồ gốc. Trong đó, mã QR đã được tạo ra cho 52 bản đồ để phục vụ cho phòng chuyên đề.
Nhóm nghiên cứu đã tạo lập thành công CSDL Excel của 2.224 tờ bản đồ (của 739 bản đồ) với 25 trường thông tin (tên bản đồ, năm xuất bản, nơi xuất bản, tỷ lệ, hệ tọa độ, loại bản đồ địa chất hay độ sâu, tủ lưu trữ, thông tin ghi trên bản đồ...).
Viện Hải dương học đã ra mắt khu trưng bày bản đồ với chủ đề “Hiện diện trên Biển Đông” bao gồm 18 bản đồ, được thiết kế và bố cục đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ với 3 chủ đề chính bao gồm: Dấu ấn Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam trong tư liệu cổ, Hành trình thực thi chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, Biển đảo với kinh tế - xã hội.
PGS.TS Đào Việt Hà chia sẻ, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực hoàn thành khối lượng lớn công việc nhiệm vụ đã đề ra. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện có hạn, một số nội dung như số hoá và tạo lập CSDL tra cứu chỉ thực hiện trên phần mềm Excel.
Để quản lý và khai thác hiệu quả nguồn thông tin số của bộ bản đồ này, nhóm tác giả mong muốn tiếp tục thực hiện bước tiếp theo là xây dựng phần mềm quản lý CSDL bản đồ cổ phục vụ hiệu quả công tác tra cứu và khai thác.
Theo Soha