Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã tròn 10 năm triển khai thực hiện. Trong các nhiệm vụ Nghị quyết đề ra, công tác xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi. Bài viết đánh giá những kết quả chủ yếu đạt được trong lĩnh vực này.
Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) của Đảng là nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, có tầm cao về tư duy văn hóa, được xây dựng công phu, được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Trong các quan điểm, nhiệm vụ của Nghị quyết, nội dung xây dựng và phát triển con người được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Điều này thể hiện rõ trong quan điểm thứ ba: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp…”. Trong 6 nhiệm vụ của Nghị quyết, nhiệm vụ đầu tiên là: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Sau 10 năm thực hiện, các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực tế.
Các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thực hiện các nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện theo Nghị quyết số 33-NQ/TW. Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã “ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách gồm: 01 Nghị quyết; 07 luật, 74 Nghị định của Chính phủ, 08 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 149 Thông tư và Thông tư Liên tịch trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình”. Điều đó đã tác động sâu rộng trong toàn xã hội, thâm nhập trong đời sống của nhân dân.
Thực hiện nhiệm vụ đúc kết và xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Bộ “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền thông mới” gồm 08 đề tài nhánh; đề tài khoa học cấp quốc gia “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”… Đặc biệt, năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hội thảo đã tập trung làm rõ các nội dung, đã xác định nội hàm cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, Hội thảo đã đề xuất những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân thực hiện giữ gìn, phát huy các hệ giá trị đó.
Vấn đề nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc con người Việt Nam cũng được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Đã triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 gắn với cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, đồng thời lồng ghép với việc thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030… Cũng theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, phong trào tập luyện thể dục thể thao trong toàn dân ngày càng tăng, cụ thể: Đến năm 2024, số người thường xuyên tập luyện thể dục thể thao đạt 36,7% tăng 9,4% so với năm 2014, số gia đình thể thao đạt 27,7% tăng 8,7% so với năm 2014; số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất chính khóa: 100%; số trường thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa đạt 75%. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, Việt Nam đã được cải thiện chiều cao (chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay là 164cm ở nam và 153cm ở nữ), giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tuổi thọ được nâng lên…
Gắn kết xây dựng và phát triển con người với Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Đảng và Nhà nước coi gia đình (nhà) là cái gốc của nước, là nơi gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hoá của một dân tộc, là môi trường giáo dục nhân cách tốt nhất. Vì vậy, chủ đề thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam được xác định là: “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Trên cơ sở đó, các cơ quan lĩnh vực văn hóa từ Trung ương xuống địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình. Lồng ghép nội dung tuyên truyền về xây dựng gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống với ngày Quốc tế Hạnh phúc, ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình… Chủ đề và các thông điệp truyền thông luôn nhấn mạnh các giá trị của gia đình trong việc hình thành và giáo dục nhân cách, đạo đức của mỗi người…
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay, nhất là sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đang có ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống của không ít người, trong đó có cả ở đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự chống phá của các thế lực thù địch, nhất là việc lợi dụng mạng internet gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang, mất niềm tin ở một bộ phận cán bộ, người dân, gây nhiều khó khăn cho công tác xây dựng và phát triển con người Việt Nam…
Vì vậy, trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Đảng và Nhà nước tiếp tục xác định trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện càng cần phải được chú trọng hơn. Sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần giá trị văn hóa tốt đẹp, gắn xây dựng con người với việc phát huy giá trị gia đình, quốc gia - dân tộc./.
Anh Vũ