Câu hỏi: Xin cho biết phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Trả lời
Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 04/5/2024, nêu rõ phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:
Thứ nhất, về mạng lưới giao thông
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và với Trung Quốc, Lào. Trong đó:
- Đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
- Ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy và cảng cạn theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quốc gia, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc và Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để kết nối thông suốt quốc tế, liên vùng và nội vùng.
- Thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); triển khai xây dựng tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên, cao tốc Bắc Kạn
- Cao Bằng và nâng cấp các tuyến đường bộ khác khi có điều kiện về nguồn vốn.
- Xây dựng tuyến cao tốc kết nối Sơn La với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai (cao tốc Sơn La - Yên Bái), tuyến đường bộ kết nối tiểu vùng Tây Bắc với tiểu vùng Bắc Trung bộ (tuyến Hòa Bình - Ninh Bình) trước năm 2030 khi được điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia.
- Nâng cấp cảng hàng không Điện Biên thành cảng hàng không quốc tế (cấp 4E) sau năm 2030 khi được điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Thứ hai, về mạng lưới cấp điện, cung cấp năng lượng
- Phát triển mạng lưới cấp điện phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, các quy định có liên quan của cấp có thẩm quyền, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện cho phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trong vùng.
- Khai thác tối đa tiềm năng thủy điện trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước; khai thác thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để tận dụng nguồn thủy năng. Đến năm 2030, ưu tiên đầu tư mở rộng nhà máy thủy điện Hòa Bình; xây mới các nhà máy thủy điện Long Tạo (Điện Biên Phủ), Yên Sơn (Tuyên Quang), Sông Lô 6 (Hà Giang, Tuyên Quang), Sông Lô 7 (Tuyên Quang), Pắc Ma, Nậm Củm 1, 2, 3, 4, 5, 6 (Lai Châu), Suối Sập 2A (Sơn La).
- Nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời áp mái, điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời trên mặt nước, điện sinh khối, điện rác, điện nhiệt, khí sinh học phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió tại Lạng Sơn và Điện Biên, điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia).
- Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện trung thế, hoàn thiện hệ thống lưới điện trung, hạ áp, nâng công suất các trạm biến thế để tăng hiệu quả khai thác, bảo đảm năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt; mở rộng mạng lưới điện đến các vùng nông thôn bảo đảm 100% các hộ được sử dụng lưới điện quốc gia.
- Tăng cường khai thác các kho xăng dầu hiện có, mở rộng, nâng công suất một số kho xăng dầu đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Có phương án di dời, giải tỏa một số kho không phù hợp về mặt vị trí và điều kiện tại địa phương. Đầu tư xây dựng mới các kho xăng dầu, kho dự trữ quốc gia, kho thương mại theo quy hoạch. Xây dựng kho dự trữ quốc gia cho sản phẩm xăng dầu tại Lương Sơn (Hòa Bình) và Tam Đường (Lai Châu); kho tuyến sau tại Bắc Giang. Mở rộng hệ thống tuyến ống xăng dầu B12 từ Phú Xuyên (Hà Nội) đến Lương Sơn (Hòa Bình).
Thứ ba, về hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai; cấp, thoát nước
Một là, về hạ tầng thuỷ lợi
- Phát triển mạng lưới thủy lợi theo hướng hiện đại, chủ động cấp, thoát nước phục vụ sản xuất, dân sinh; phù hợp với Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
- Tập trung hoàn thiện các công trình thủy lợi đang xây dựng; nâng cấp và xây mới các hệ thống công trình thủy lợi. Hoàn thiện các hệ thống cấp nước hiện có, trong đó ưu tiên các giải pháp dẫn nước bằng đường ống để giảm thất thoát, tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả khả năng tưới và phát triển thêm diện tích tưới ở các khu vực có đủ điều kiện.
- Đầu tư xây dựng các công trình tạo nguồn cấp nước, chuyển nước quy mô liên vùng, liên tỉnh, trong đó ưu tiên:
+ Nâng cấp hệ thống thủy lợi Pá Khoang - Nậm Rốm (Điện Biên); hệ thống thủy lợi Cầu Sơn - Cấm Sơn (Bắc Giang); hệ thống thủy lợi Thác Huống (Thái Nguyên); hệ thống thủy lợi Núi Cốc (Thái Nguyên).
+ Xây mới hồ Nà Lạnh (Bắc Giang) tiếp nguồn cho các hồ chứa hiện có và bổ sung nguồn nước cho vùng Lục Ngạn - Bắc Giang; hồ Nghinh Tường (Thái Nguyên) cấp nước và tiếp nguồn cho hệ thống sông Cầu; hồ Thượng Tiến (Hòa Bình); hồ Phiêng Lúc (Lai Châu); hệ thống trữ và cấp nước cho cao nguyên Mộc Châu; hệ thống dẫn nước chuyển nước thừa từ hồ Cấm Sơn sang hồ Khuôn Thần.
- Bảo vệ, duy trì và cải tạo các trục tiêu bị bồi lấp, ách tắc để cải thiện khả năng tiêu tự chảy; bổ sung các công trình tiêu bằng động lực để tăng khả năng tiêu thoát cho các đô thị trong vùng; cải tạo các trạm bơm tiêu ra sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam (Thái Nguyên, Bắc Giang). Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê sông (Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái).
Hai là, về hệ thống cấp nước
- Phân vùng cấp nước như sau:
+ Vùng 1 (lưu vực sông Đà - Thao): Bao gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai (thành phố Lào Cai, Bát Xát, Văn Bàn, 13/15 xã huyện Bảo Thắng, 03/18 xã huyện Bảo Yên, 06/16 xã huyện Mường Khương), Yên Bái (thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, Văn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải và 02/25 huyện Yên Bình), Phú Thọ (12/23 xã thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Lâm Thao, 01/28 xã Đoan Hùng, 25/27 xã huyện Thanh Ba, Thanh Sơn và Tam Nông).
+ Vùng 2 (lưu vực sông Lô - Gâm): Bao gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai (Bắc Hà, Si Ma Cai, 02/15 xã huyện Bảo Thắng, 15/18 xã huyện Bảo Yên và 10/16 xã huyện Mường Khương), Yên Bái (Lục Yên, 23/25 xã huyện Yên Bình), Phú Thọ (huyện Phù Ninh, 11/23 xã thành phố Việt Trì, 27/28 xã huyện Đoan Hùng, 02/27 xã huyện Thanh Ba), Cao Bằng (huyện Bảo Lâm, 16/17 xã huyện Bảo Lạc và 05/20 xã huyện Nguyên Bình), Bắc Kạn (Pắc Nặm, Ba Bể, 04/11 xã Ngân Sơn và 19/22 xã Chợ Đồn).
+ Vùng 3 (lưu vực sông Cầu Thương - Lục Nam): Bao gồm các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn (thành phố Bắc Kạn, huyện Bạch Thông, 03/22 xã huyện Chợ Đồn và 14/16 xã huyện Chợ Mới), Lạng Sơn (huyện Hữu Lũng, 14/21 xã huyện Chi Lăng, 16/20 xã huyện Bắc Sơn, 04/12 xã huyện Đình Lập và 04/29 xã huyện Lộc Bình).
+ Vùng 4 (lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng): Bao gồm các tỉnh Cao Bằng (thành phố Cao Bằng, Thạch An, Hòa An, Thông Nông, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Quảng Uyên, Phục Hòa, 15/20 xã huyện Nguyên Bình, 01/17 xã huyện Bảo Lạc, 12/14 xã huyện Hạ Lạng và 07/20 xã huyện Trùng Khánh, Lạng Sơn (thành phố Lạng Sơn, Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng, Văn Quan, Cao Lộc, 07/12 xã huyện Đình Lập, 07/21 xã huyện Chi Lăng, 25/29 xã huyện Lộc Bình và 04/20 xã huyện Bắc Sơn), Bắc Kạn (huyện Na Rì, 02/16 xã Chợ Mới và 07/11 xã huyện Ngân Sơn).
- Nguồn nước:
+ Khai thác, sử dụng nguồn nước phù hợp với phân vùng chức năng nguồn nước và định hướng ưu tiên phân bổ trong trường hợp bình thường, trường hợp hạn hán, thiếu nước.
+ Từng bước thay thế nguồn nước ngầm bằng nguồn nước mặt. Nguồn nước ngầm cũng như các nhà máy sử dụng nước ngầm sẽ được chuyển đổi thành nguồn dự trữ để tăng an toàn cấp nước.
- Hệ thống cấp nước:
+ Phát triển hệ thống cấp nước bảo đảm cấp nước ổn định cho sản xuất công nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân trong vùng; ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt để cấp nước sinh hoạt đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
+ Đối với khu vực đô thị: Nghiên cứu các giải pháp nâng công suất các nhà máy nước hiện hữu, xây dựng các nhà máy mới tại các khu vực khó khăn về nước sạch trên địa bàn từng tỉnh, bảo đảm phát huy tối đa khả năng phục vụ của toàn hệ thống.
+ Đối với khu vực nông thôn: Xây dựng các hệ thống tập trung quy mô nhỏ, nguồn nước suối hoặc giếng tại các khu vực dân cư tập trung. Sử dụng nước ngầm mạch nông và trữ nước mưa tại các khu vực dân cư rải rác. Xây dựng hệ thống cấp nước cục bộ lấy nguồn nước ngầm hoặc nước mặt phù hợp, bảo đảm khai thác sử dụng hợp lý tại các khu vực xa khu dân cư tập trung.
Ba là, về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải
- Xây dựng hệ thống thoát nước bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật thoát lũ, tránh tình trạng ngập úng tại các đô thị, khu dân cư và các cơ sở sản xuất. Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện các cơ sở xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, khu dân cư nông thôn và tại các khu, cụm công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.
- Xây dựng hệ thống thoát nước mưa tại các đô thị mới bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn thiết kế; đối với khu vực đô thị cũ, cần cải tạo xây dựng hệ thống thoát nước chung và chọn giải pháp cống bao có hố tách dòng để thu gom nước thải dẫn tới trạm xử lý nước thải tập trung của đô thị.
- Cải tạo, nạo vét mở rộng kênh mương và xây dựng hồ điều hoà trong khu vực nội thành; cải tạo, tăng cường nạo vét khơi thông dòng chảy của các kênh, mương, sông, suối hiện hữu.
- Kết hợp áp dụng các giải pháp thoát nước thông minh và bền vững đang được triển khai trong khu vực; hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn vùng, đáp ứng tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.
Thứ tư, phương hướng phát triển hạ tầng xử lý chất thải
Bố trí khu xử lý chất thải sông Công, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, quy mô khoảng 40 ha là khu xử lý chất thải cấp vùng. Loại chất thải xử lý gồm chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, bùn thải và các loại chất thải rắn khác. Ưu tiên sử dụng công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng; thu hồi các chất từ chất thải; tái sử dụng chất thải làm vật liệu xây dựng và phụ gia xi măng; chôn lấp, hóa rắn cô lập, đóng kén; tái chế làm phân compost.
Thứ năm, phương hướng phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông
- Mở rộng mạng lưới bưu chính phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng các trung tâm bưu chính vùng, khu vực tại Phú Thọ, Sơn La và Thái Nguyên; tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh về logistics, chú trọng khai thác hạ tầng bưu chính để phát triển các dịch vụ mới nhằm mở rộng hệ sinh thái dịch vụ bưu chính.
- Đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao (5G) trên phạm vi toàn vùng. Nâng cấp và phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) để phục vụ cho phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó ưu tiên cho các lĩnh vực thành phố thông minh, nhà máy thông minh, giao thông thông minh.
- Kết nối, khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số quy mô quốc gia phục vụ cho chuyển đổi số trên địa bàn vùng. Hình thành trung tâm dữ liệu lớn vùng, ưu tiên đặt tại các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang; phát triển Thái Nguyên thành trung tâm chuyển đổi số của vùng.
- Khuyến khích đầu tư hạ tầng thông tin và truyền thông tại khu vực biên giới, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ dịch vụ viễn thông băng rộng, phủ sóng điện thoại di động và cố định cho vùng biên giới, gắn phát triển dịch vụ viễn thông với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.
- Phát triển hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung phục vụ sản xuất phần cứng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, các sản phẩm điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các địa phương Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.
- Tổ chức các cơ quan báo chí trong vùng theo hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng. Xây dựng và phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm có ảnh hưởng lớn, phân bố hợp lý, hình thành mạng lưới cơ sở phát hành xuất bản phẩm đến cấp huyện, xã. Chú trọng các xuất bản do người dân tộc sản xuất; sử dụng các nền tảng công nghệ số tương tác với người dân và bảo đảm cung cấp thông tin và người dân được tiếp cận thông tin, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Thiết lập cụm thông tin đối ngoại phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại, góp phần ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh tại các địa phương có cửa khẩu quốc tế.
Thứ sáu, phương hướng phát triển hạ tầng phòng cháy, chữa cháy
Phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện của vùng, hướng tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới. Xây dựng trung tâm chỉ huy, trụ sở, doanh trại, công trình hiện đại cho các đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm ổn định lâu dài và phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các địa phương trong vùng. Phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước, hạ tầng giao thông, hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thứ bảy, phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp
- Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, mạng lưới các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; bảo đảm tốt việc quản lý, tổ chức dạy và học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú theo quy định.
- Phát triển mạng lưới trường mầm non, phổ thông phù hợp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại hóa. Ưu tiên củng cố, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; giảm các điểm trường lẻ.
- Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, các cơ sở dạy nghề phù hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo cho các trường đại học, phân hiệu cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng và cơ sở dạy nghề hiện hữu trong vùng. Khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu cơ sở giáo dục đại học uy tín thông qua đầu tư, nâng cấp các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng hiện hữu.
- Phát triển Thái Nguyên là khu vực nghiên cứu - đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng. Từng bước chuẩn bị điều kiện để phát triển trường Đại học Tây Bắc (Sơn La) thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của vùng; trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang (Bắc Giang); trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của tiểu vùng khi có điều kiện về nguồn vốn, trong đó ưu tiên đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, nghiên cứu - quảng bá - bảo tồn văn hóa, lịch sử và lối sống của cộng đồng dân tộc. Nghiên cứu tiềm năng phát triển các trường đại học cấp tiểu vùng tại Điện Biên và Lai Châu.
- Đầu tư một số trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, ưu tiên tại khu vực động lực phát triển của vùng.
- Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có uy tín tham gia đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp, liên kết đào tạo nhân lực có chất lượng cao.
Thứ tám, phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở y tế
- Tập trung nguồn lực duy trì, đầu tư, phát triển đồng bộ mạng lưới cơ sở y tế theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng và y tế công cộng, ưu tiên tại các tỉnh giáp ranh với Trung Quốc và Lào nhằm tăng cường năng lực phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới; phát triển nguồn nhân lực y tế đồng bộ và thu hẹp khoảng cách trong khả năng tiếp cận dịch vụ y tế trong vùng.
- Tăng cường phát huy vai trò của Thái Nguyên là trung tâm y tế cấp vùng; đầu tư phát triển năng lực khám, chữa bệnh đạt trình độ cao cho các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tại các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Giang, Tuyên Quang và Yên Bái nhằm đảm nhận vai trò là các bệnh viện tuyến cuối của tiểu vùng; phát triển trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm vùng.
- Khuyến khích xã hội hóa, đầu tư xây dựng cơ sở y tế ngoài công lập tại vành đai đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng.
Thứ chín, phương hướng phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội
Duy trì và phát triển mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội.
Thứ mười, phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao
- Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng và cải tạo các công trình trọng điểm có ý nghĩa lớn về văn hóa, lịch sử của địa phương và của cả nước như: Khu di tích Pác Bó (Cao Bằng), trường đại học Văn hóa Tây Bắc, khu di tích Điện Biên Phủ (Điện Biên), khu di tích Tân Trào (Tuyên Quang), An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) gắn với phát triển du lịch.
- Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các công trình văn hóa tiêu biểu của vùng đồng bào dân tộc. Nâng cấp, cải tạo Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc tại Thái Nguyên.
- Xã hội hóa đầu tư vào các dự án văn hóa, thể thao; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Thứ mười một, phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
- Tập trung nguồn lực duy trì, đầu tư, phát triển đồng bộ mạng lưới cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo công lập theo Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập quốc gia.
- Phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng tại khu vực động lực phát triển của vùng; từng bước hình thành mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo vùng.
- Đầu tư xây dựng khu cơ sở kỹ thuật ươm tạo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Bắc và khu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tập trung tại Hòa Bình, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, y, dược, tiểu thủ công nghiệp và liên kết với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.
- Khuyến khích thu hút đầu tư, hình thành các cơ sở ươm tạo công nghệ, các tổ chức cung cấp dịch vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại các cực tăng trưởng.
(Theo: Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2024 phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).
PV