Hiệu quả giáo dục không chỉ đơn thuần nằm ở nội dung giáo dục, thái độ của người tiếp thu mà còn phụ thuộc vào phương pháp và cách thức giáo dục. Giáo dục gia đình hiện nay đứng trước sự lựa chọn giữa phương pháp giáo dục truyền thống nghiêm khắc, khắt khe và phương pháp giáo dục mới cởi mở hơn với con cái như chỉ khuyên bảo, giải thích, thậm chí nuông chiều, cốt để con cái nhận thức được những điều mà họ cho là đúng đắn.
Giáo dục con cái thông qua phương pháp truyền miệng và giải thích được nhiều gia đình chú trọng. Nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy, dường như mỗi gia đình, dòng họ địa phương lại có những nguyên tắc giáo dục con cái riêng của mình. Nhiều gia đình cho đến nay vẫn còn áp dụng những điều được gọi là: “gia pháp” “gia phong” truyền thống của dòng tộc trong việc bảo ban con cháu.
Biểu đồ 1. Phương pháp giáo dục con cái trong gia đình[1]
Đơn vị tính: %
Từ số liệu biểu đồ 1 cho thấy hai phương thức giáo dục cơ bản trong gia đình hiện nay là giáo dục bằng truyền miệng, nói nhiều lần (73,2%) và vừa nói cha mẹ vừa làm gương cho con cái (55,6%) đã được áp dụng nhiều nhất. Việc cha mẹ thường xuyên gần gũi tâm sự với con cái đã giúp các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn, cha mẹ dễ định hướng cho con cái, giúp chúng sửa chữa những sai lầm một cách kịp thời. Sự kết hợp với cách giáo dục truyền miệng, nói nhiều lần cùng phương pháp kể và phân tích các câu chuyện dân gian, truyện lịch sử hiện nay đang được rất nhiều gia đình áp dụng trong dạy bảo con cái.
Giáo dục con cái thông qua việc cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo cũng là phương pháp rất phổ biến hiện nay. Hiệu quả cao nhất của sự giáo dục con cái bằng lời nói chỉ đạt được khi chính bản thân người đang nói đó thực hiện tốt những gì mình đã nói. Vì vậy, việc làm mẫu mực của cha mẹ, tấm gương lao động, làm việc chân chính, ăn ở có nghĩa có tình trong gia đình, với bạn bè, người thân, thái độ tôn trọng người khác, tôn trọng pháp luật, bảo vệ của công v.v... sẽ là những bài học thực tiễn cụ thể, dễ hiểu, con cái cảm nhận được hàng ngày, in vào tâm trí chúng từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành. Hành vi đạo đức của ông bà, cha mẹ không chỉ để lại "quả đức" cho con cháu mà còn là sự gieo trồng đạo đức cho thế hệ sau.
Những điều tra trong nghiên cứu gia đình và việc giáo dục các giá trị truyền thống cho trẻ em của tác giả Đặng Cảnh Khanh cũng cho thấy, có 55,6% số người được hỏi khẳng định rằng muốn giáo dục con cháu, bản thân chính các bậc cha mẹ phải là tấm gương về việc tôn trọng giá trị chân chính.
Bảng 1. Lối sống của người cha mẹ ảnh hưởng đến lối sống của con cái[2]
Nhận định |
Tỷ lệ % nhận định |
Ảnh hưởng rất nhiều tới lối sống của con cái |
57,4 |
Ảnh hưởng không nhiều tới lối sống của con cái |
30,5 |
Không ảnh hưởng gì tới lối sống của con cái |
12,1 |
Tổng cộng |
100,0 |
Khi phân tích tương quan về trình độ văn hóa của người trả lời, nghiên cứu cũng cho thấy những người có trình độ văn hóa càng cao càng nhận thấy rõ hơn những ảnh hưởng trong lối sống của cha mẹ tới con cái. Nếu ở nhóm cha mẹ có trình độ văn hóa cấp 1 chỉ có 32,8% số cha mẹ cho rằng lối sống của mình đã ảnh hưởng tới con cái thì ở nhóm cấp II, con số này lên 49,4%; cấp III: 61,4%; Cao đẳng - Đại học lên tới 85,2%.
Đối với hình thức khuyên bảo con cái khi mắc lỗi sai phạm trong các gia đình, các kết quả nghiên cứu xã hội học trong những năm gần đây cho thấy, những phương pháp giáo dục con cái nhìn chung vẫn giữ được theo nền nếp truyền thống: khuyên bảo, xử phạt, giáo dục thông qua giải thích…
Bảng 2. Các biện pháp xử phạt con cái khi mắc lỗi sai phạm trong các gia đình
Các hình thức xử phạt |
Tỷ lệ % nhận định |
Khuyên bảo, kết hợp xử phạt |
30,9 |
Xử phạt |
4,9 |
Để tự xử |
4,7 |
Khuyên bảo |
58,2 |
Không quan tâm |
1,3 |
Tổng cộng |
100,0 |
Qua số liệu bảng 2 có thể nhận thấy, phương pháp chủ yếu được các gia đình sử dụng khi con cái mắc lỗi là sự khuyên bảo (tỷ lệ các gia đình sử dụng biện pháp này lên đến 89,1%). Phương pháp này giúp cho con nhỏ nhận ra sai sót của bản thân, hiểu được việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Việc xử phạt con cái thực chất là một hình thức răn đe nên nhiều bậc cha mẹ đã áp dụng phương pháp vừa kết hợp xử phạt, vừa dạy dỗ khuyên bảo.
Để làm rõ về phương pháp giáo dục trẻ em hiện nay, Viện Nghiên cứu Thanh niên đã tiến hành cuộc điều tra dư luận học sinh với chủ đề: “Hình phạt của cha mẹ đối với trẻ em” tại 12 điểm đại diện các tỉnh, thành phố thuộc miền Trung trở ra Bắc gồm: thành phố Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và Hòa Bình với sự tham gia của 1.240 học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó có 632 em nam và 608 em nữ. Trong cuộc trưng cầu ý kiến này, trẻ em được tham gia từ đầu đến cuối (nhận diện vấn đề, thảo luận câu hỏi, trả lời các ý kiến…) (Xem bảng 3).
Bảng 3. Các hình thức xử phạt của cha mẹ đối với trẻ em[3]
Kết quả khảo sát cho thấy một số trẻ em thừa nhận rằng việc cha mẹ sử dụng hình phạt đối với chúng chiếm tỷ lệ cao và các hình thức xử phạt rất đa dạng. Trong số các hình phạt cho thấy hình thức mắng là cao nhất 64,9% so với đánh 25,6% và những hình thức khác 9,5%. Như vậy, đa số các bậc cha mẹ thường mắng con khi có lỗi, có lẽ mắng là hình thức mà ở một mức độ nào đó vừa có tính răn đe, vừa có tính khuyên bảo.
Hình thức biểu dương, khen thưởng khi con cái làm điều tốt thể hiện sự động viên khen thưởng kịp thời bên cạnh việc khuyên bảo răn dạy, xử phạt. Những lời biểu dương, khen thưởng còn đáng giá hơn bất cứ phần thưởng nào cha mẹ dành cho con cái.
Biểu đồ 2. Các hình thức khen thưởng của cha mẹ với con cái khi làm điều tốt
Đơn vị tính: %
Trên thực tế, việc động viên khen thưởng kịp thời là việc làm cần thiết giúp con cái hình thành những nhận thức và tình cảm đúng đắn. Sự động viên đúng lúc đã kích thích con cái làm điều hay lẽ phải.
Sự phối hợp giữa giáo dục gia đình với việc hỗ trợ của cộng đồng trong giáo dục con cái là cần thiết hiện nay. Sự kết hợp hài hòa và cân bằng giữa yếu tố gia đình và nhà trường sẽ là nền tảng vừng chắc trong việc định hướng, uốn nắn và hình thành nhân cách cho con cái. Nhiều địa phương hiện nay đã xây dựng nhà truyền thống, giáo dục cho con em những giá trị tốt đẹp của ông cha, của làng xã, địa phương, khuyến khích các em tham gia tìm hiểu về phong tục tập quán, nếp sống, sinh hoạt chung của cộng đồng.
Những phân tích ở trên cho thấy, chúng ta cần phải có phương pháp và những quy chuẩn giáo dục con cái phù hợp, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, mức độ phạm lỗi để có cách thức giáo dục hiệu quả. Với tính cách là một thiết chế xã hội đặc thù, gia đình cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra môi trường xã hội lành mạnh cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện. Cần phải có những hình thức tuyên dương những tấm gương hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, những tấm gương trong sáng về tình yêu tình bạn, về sự thủy chung son sắt vợ chồng. Việc tiếp thu các giá trị này đối với thế hệ trẻ sẽ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là một nhu cầu. Chính những chuẩn mực giá trị truyền thống này đã góp phần vào việc giữ gìn các giá trị văn hóa trong xã hội hiện đại. Đây sẽ là một thế mạnh quan trọng góp phần củng cố sự ổn định của xã hội, đưa đất nước ta phát triển theo kịp các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
[1] Đặng Cảnh Khanh (2002), Gia đình và việc giáo dục các giá trị truyền thống cho trẻ em, Nxb Lao động xã hội.
[2] Sđd.
[3] Viện Nghiên cứu Thanh Niên (2003), Dự án điều tra cơ bản về nhận thức và hành vi của thanh thiếu niên, học sinh về môi trường và phát triển bền vững.
Văn Trường