Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 1/10 cho biết, đề xuất gia nhập NATO của Ukraine không phải là vấn đề được ưu tiên ở thời điểm hiện tại.
Ông Borrell cho biết mong muốn trở thành thành viên NATO của Kiev là điều có thể hiểu được, "nhưng đây không phải là vấn đề chính tại thời điểm này". Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cho rằng, điều quan trọng hơn bây giờ là phải hỗ trợ khả năng phòng vệ của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 30/9 thông báo đang thực hiện bước đi mang tính quyết định với việc ký đơn xin nhanh chóng gia nhập NATO. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cũng xác nhận Kiev đã nộp đơn chính thức để gia nhập liên minh quân sự này.
Ông Zelensky cho rằng, Ukraine đã là một đồng minh "trên thực tế" của NATO và đề nghị một thủ tục gia nhập nhanh chóng vào khối liên minh.
Động thái của Kiev diễn ra trong bối cảnh Nga tổ chức lễ sáp nhập 4 khu vực gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson ở miền Đông và miền Nam Ukraine vào Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo của 4 vùng Ukraine đã ký thỏa thuận, mở đường cho quy trình sáp nhập vào Nga.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 30/9 cho biết, Mỹ cam kết duy trì chính sách mở cửa với các nước muốn gia nhập NATO. Tuy nhiên, ông Sullivan cho rằng, đây không phải là thời điểm thích hợp để xem xét đơn xin gia nhập liên minh quân sự của Ukraine.
Theo ông Sullivan, cách tốt nhất để hỗ trợ Ukraine ở thời điểm hiện tại là thông qua hoạt động hỗ trợ trên thực địa, còn quá trình gia nhập NATO có thể được tiến hành vào một thời điểm khác.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, việc kết nạp Ukraine đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả 30 thành viên của khối do Mỹ đứng đầu. Ông Stoltenberg cũng cam kết ủng hộ "kiên định" đối với Ukraine, nhưng khẳng định điều đó không khiến NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột với Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết quyết định về tư cách thành viên của Ukraine cuối cùng sẽ do tất cả các thành viên NATO cùng đưa ra. "Đức sẽ không làm điều đó một mình", Bộ trưởng Lambrecht nói.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Đức sẽ làm mọi cách để tránh đưa NATO trở thành một bên trực tiếp trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
"Chúng tôi đã nói rõ ngay từ ngày đầu rằng chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo cuộc chiến không lan sang các nước khác, rằng bản thân NATO không trở thành một bên trong cuộc chiến. Và điều đó vẫn đúng cho đến thời điểm này", bà Baerbock nói.
"Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng các quốc gia khác và NATO không bị lôi kéo vào cuộc chiến này", nhà ngoại giao Đức nhấn mạnh. Tuy nhiên, bà Baerbock nhắc lại rằng Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine phòng vệ, bao gồm gửi vũ khí hạng nặng cho Kiev.
Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU), thậm chí Kiev đã đưa mục tiêu trở thành thành viên NATO vào hiến pháp.
Khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2, Nga đã tuyên bố chiến dịch chỉ kết thúc khi Kiev cam kết trung lập, không gia nhập NATO, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ, công nhận chủ quyền của hai vùng Donetsk và Lugansk, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga.
Các diễn biến trong thời gian qua cho thấy, việc gia nhập NATO với Ukraine dường như đang gặp khó khăn. Ukraine nhiều lần thừa nhận NATO không muốn kết nạp nước này vào khối. Kiev cũng từng phát đi tín hiệu sẽ dừng mong muốn gia nhập NATO như một nhượng bộ cho việc đàm phán hòa bình với Nga.
Nguồn: dantri.com.vn