Tục ngữ có câu: ‘Cháy nhà mới ra mặt chuột” ý nói khi cái vỏ bên ngoài bị bóc ra thì mới phơi bày những điều xấu xa ẩn giấu bên trong. Nhưng ông cha ta cũng có câu: “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau” để nhắn nhủ rằng chỉ có qua khó khăn, gian khổ, thử thách mới biết được ai hay, ai dở, ai tốt, ai xấu. Đại dịch SARS-CoV-2 xảy ra là điều không ai mong muốn, rồi đây hậu quả của nó không chỉ làm tổn thất hàng chục ngàn sinh mạng mà còn kéo theo sự suy thoái kinh tế toàn cầu và các hậu quả nặng nề về xã hội. Song, bên cạnh đó, cơn đại dịch này cũng giúp chúng ta nhận ra được nhiều vấn đề từ chuyện của cá nhân, gia đình cho đến quốc gia, dân tộc và toàn cầu.
Năm 2018, tại một hội thảo quốc tế về tương lai của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, tôi có đặt một câu hỏi với một vị giáo sư người Trung Quốc rằng “Hãy cho biết những ưu việt của chế độ xã hội ở Trung Quốc so với các nước tư bản phát triển phương Tây?”. Trả lời câu hỏi của tôi, bà giáo sư nói nhiều nhưng tôi nhớ nhất hai điều: Thứ nhất, trong hơn bốn mươi năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc chưa bao giờ có khủng hoảng; thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc giải quyết hậu quả thiên tai, thảm họa rất nhanh chóng và hiệu quả mà vụ động đất ở Tứ Xuyên là một minh chứng… Thú thật, lúc đó tôi cũng hơi phân vân bởi xem trên Youtube, công tác cứu hộ, cứu nạn của các nước phương Tây cũng rất tuyệt vời. Một đàn vịt bị kẹt vào ống thoát nước, một con chó bị rơi xuống sông lực lượng cứu hộ lập tức có mặt. Một người leo núi bị rắn cắn ngay lập tức có máy trực thăng tới cứu…
Tuy nhiên, suy nghĩ của tôi đã thay đổi khi Trung Quốc xảy ra đại dịch SARS-CoV-2, cả thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, tốc độ lây lan nhanh, số người chết tăng lên hàng ngày. Cứ tưởng đất nước đông dân nhất thế giới sẽ vỡ trận, nào ngờ đại dịch đã được khống chế thành công, thành phố Vũ Hán hiện nay đang hồi sinh trở lại.
Lại nói đến Việt Nam, trước khi xảy ra đại dịch, các thế lực thù địch suốt ngày ra rả chiêu bài: Đảng Cộng sản không còn đại diện cho lợi ích của người dân, bộ máy chính quyền tham nhũng, rệu rã, không đủ sức quản lý đất nước, quân đội và công an là tay sai của các nhóm lợi ích, ngân sách bị rút ruột nếu thiên tai, thảm họa xảy ra cũng không đủ tiềm lực để đối phó… Cho nên phải xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, nhanh chóng từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa.
Người ta nói rằng, chỉ khi nào rời xa gia đình, con cái mới cảm nhận được tấm lòng của cha mẹ. Chiến tranh đã lùi xa, kể từ sau năm 1975, hơn bốn mươi năm được sống trong hòa bình, ổn định và phát triển, một bộ phận nào đó dường như quên mất hoặc cố tình quên đi vai trò của người lãnh đạo, quản lý đất nước. Cơn đại dịch bất ngờ kéo đến, trong cơn hoạn nạn, bản chất của Đảng, sức mạnh của chính quyền và cả hệ thống chính trị đã được chứng minh một cách rõ ràng nhất.
Khi đại dịch xảy ra, tôi chợt nhớ đến câu nói của vị giáo sư Trung Quốc về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Phải chăng ưu thế của chế độ một đảng lãnh đạo là ở chỗ, ngay từ đầu, từ trung ương đến cơ sở đã nhất quán tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó với đại dịch. Các kịch bản được vạch ra một cách hết sức chi tiết và cẩn trọng. Chính phủ tuyên bố sắn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Vì vậy, hàng loạt chính sách cứu trợ được ban hành và dành được sự đồng tình, ủng hộ của toàn dân, trong đó không ít chính sách có thể gây bất lợi ngắn hạn cho các chủ doanh nghiệp. Không lo ngại đối phó với ý kiến phản đối của lực lượng đối lập như ở nước khác, Chính phủ quyết định mở rộng vòng tay đón những người con đất Việt từ vùng dịch trở về, hỗ trợ miễn phí cho những người bị cách ly, xét nghiệm, điều trị. Việc làm này chắc chắn sẽ phải tiêu tốn một khoản ngân sách không hề nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã đề ra.
Một trong các luận điệu mà phương Tây hay lên án chế độ chính trị ở Việt Nam là vi phạm tự do thông tin, tự do báo chí, vi phạm nhân quyền. Nếu những ngày qua, báo chí chính thống của chúng ta không đồng loạt đưa tin về đại dịch, cách phòng bệnh, động viên nhân dân không hoang mang, tích trữ thực phẩm, nếu chính quyền không thẳng tay trừng phạt những kẻ đưa tin giả, tin xấu, tin xuyên tạc thì hậu quả đất nước sẽ như thế nào? Nếu để khỏi mang tiếng là vi phạm nhân quyền mà trước hết là quyền tự do đi lại, chúng ta không kiên quyết cách ly một số ít người, phong tỏa một vài xã, khu phố và thực hiện giãn cách toàn xã hội để rồi cả nước bị phong tỏa mà vẫn phải chịu những tổn thất nặng nề về sinh mạng của người dân như một số nước đã và đang trải qua, thì thử hỏi có nên tôn trọng nhân quyền của một số ít người chỉ vì lợi ích cá nhân như vậy hay không? Nếu chỉ vì nhân quyền của một số kẻ gọi là “tù nhân lương tâm”, “chiến sĩ đấu tranh cho tự do” theo mộng tưởng cá nhân, nhưng sẽ biến gần một trăm triệu dân của đất nước này thành nạn nhân của các cuộc tranh giành quyền lực thì có nên hay không?
Những tháng ngày chống dịch, hình ảnh các chiến sĩ công an, quân đội căng mình canh gác bảo đảm an toàn cho vùng cách ly, giữ vững an ninh biên giới, an ninh truyền thông, nhường doanh trại cho những người bị cách ly, ngày đêm phục vụ cơm nước, vệ sinh, phun thuốc khử trùng… Chẳng lẽ đó lại là công an, quân đội tay sai của các nhóm lợi ích, là công cụ để đàn áp nhân dân như luận điệu rêu rao của những cá nhân tự cho mình là đại diện cho công lý, cho dân chủ hay sao?
Tôi không có ý nói Việt Nam mình cái gì cũng tuyệt vời, chế độ mình là ưu việt hơn hẳn các quốc gia khác. Trên con đường đi tìm kiếm sự giàu có, văn minh, hạnh phúc của nhân loại có rất nhiều con đường, ai lựa chọn con đường nào là quyền của họ và họ phải chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó. Không có con đường nào thẳng băng đi đến đích. Trên con đường gập ghềnh ấy, bên cạnh những thành công, sẽ không tránh khỏi những lúc thất bại, thuận lợi và khó khăn luôn đan xen. Cũng như việc khi con cái trưởng thành, trực tiếp trải qua những thăng trầm của cuộc sống mới thấy trân quý sự tảo tần, tiết kiệm và nghiêm khắc của cha mẹ. Trong lúc khó khăn, hoạn nạn, chúng ta càng thấu hiểu bản chất tốt đẹp của Đảng ta, sức mạnh của Nhà nước ta, tính ưu việt của chế độ mà ta lựa chọn. Hơn bao giờ hết, trong đại dịch này, chúng ta càng thêm yêu mến, tin tưởng, tự hào về Đảng, Chính phủ, đất nước và dân tộc ta. Với niềm tin đó, dù tới đây số người nhiễm bệnh có thể tăng lên, mức độ và phạm vi thực thi các biện pháp phòng, chống dịch của hệ thống chính trị có thể phải tăng lên, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch này.
Ngọc Đức