Tại Mỹ, khoảng thời gian từ lúc một ứng cử viên tổng thống giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đến thời điểm nhậm chức được gọi là “quá trình chuyển giao”. Thông thường, quá trình này được điều hành bởi đội ngũ chuyển giao của tổng thống đắc cử. Đội ngũ này hoàn toàn tách biệt với đội ngũ điều hành chiến dịch tranh cử, với các thành viên và ngân sách hoạt động riêng.
Tổng thống Barack Obama tổ chức buổi gặp với ông Donald Trump tại Nhà Trắng hồi 2016, sau khi ông Trump đắc cử. Ảnh: Reuters |
Bất chấp nhiều biến động trong lịch sử, phần lớn các cuộc chuyển giao quyền lực giữa các tổng thống sắp mãn nhiệm và mới đắc cử tại Mỹ đều diễn ra trong hòa bình.
Điều gì sẽ xảy ra?
Quá trình chuyển giao đánh dấu sự khởi đầu một nhiệm vụ phức tạp của tổng thống đắc cử, trong việc nắm quyền điều hành chính phủ liên bang. Trong thời gian chuyển giao, tổng thống đắc cử thường tập trung vào việc lựa chọn nhân sự Nhà Trắng, đứng đầu là chánh văn phòng, cũng như các chức vụ chủ chốt khác trong nội các.
Tổng thống Mỹ thường bổ nhiệm khoảng 4.000 người vào các vị trí trong chính phủ, với hơn 1/4 trong số họ cần được Thượng viện thông qua. Đội ngũ này còn có vai trò giám sát 2,1 triệu nhân viên dân sự và 1,4 triệu quân nhân tại ngũ, một phần của bộ máy hành chính liên bang với ngân sách hàng năm hơn 4,5 nghìn tỷ USD.
Ông Joe Biden tổ chức họp báo, công bố đội ngũ chuyển giao vào 9/11 vừa qua tại Wilmington, Delaware. Ảnh: AP |
Ngoài việc lấp đầy các vị trí còn để trống, giới chức đội ngũ chuyển giao còn phải tìm cách chuyển hóa những hứa hẹn trong chiến dịch của tổng thống đắc cử thành các chính sách liên bang. Họ thường ưu tiên những hoạt động nào có thể được thực hiện nhanh chóng, chẳng hạn như đảo ngược các lệnh hành pháp của tổng thống tiền nhiệm.
Bên cạnh đó, đội ngũ chuyển giao còn có trách nhiệm xem xét từng cơ quan liên bang, để hiểu hơn về các chính sách, nhu cầu nhân sự… và thường sẽ đưa các thành viên chủ chốt thay thế vai trò của những người sắp mãn nhiệm.
Thời điểm bắt đầu
Việc lên kế hoạch chuyển giao có thể bắt đầu bất cứ lúc nào. Dù vậy, quá trình này chính thức diễn ra khi sau kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử được công bố. Thông thường, Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) trực thuộc Chính phủ Mỹ sẽ trực tiếp thông qua toàn bộ nguồn lực và kinh phí của quá trình chuyển giao, sau khi người thắng cuộc được xác định một cách “chắc chắn”.
Bà Emlily Murphy, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp Mỹ. Ảnh: AP |
Đạo luật về chuyển giao năm 1963 cho phép GSA cung cấp văn phòng, thiết bị văn phòng cho đội ngũ của tổng thống đắc cử. Họ cũng được chính phủ kiểm tra lý lịch với mục đích an ninh.
Một bộ luật mới được thông qua vào năm 2010 cho phép ứng cử viên các đảng lớn bắt đầu nhận được sự hỗ trợ của chính phủ cho quá trình chuyển giao. Họ sẽ được phép sử dụng không gian văn phòng, máy tính cùng các dịch vụ chính phủ khác ngay sau các đại hội toàn quốc. Như trong năm nay, quá trình này diễn ra ngay sau tháng 8.
Luật liên bang cũng trao cho các nhân viên chuyên trách thẩm quyền lớn trong việc chuyển giao dữ liệu và kiến thức cho giới chức chính quyền mới, với mục đích giảm nguy cơ chính trị hóa. Những lãnh đạo phụ trách chuyển giao này được quy định phải là nhân viên chuyên trách cấp cao và không phải chính trị gia.
Khoảng thời gian chuyển giao
Quá trình chuyển giao thường kéo dài khoảng 11 tuần, từ ngày bầu cử vào đầu tháng 11 đến ngày tổng thống đắc cử nhậm chức, vốn được Hiến pháp Mỹ quy định là ngày 20/1. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao có thể bị rút ngắn nếu tổng thống đắc cử không được tuyên bố sớm.
Năm 2000, một cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa 2 ứng cử viên Al Gore đảng Dân chủ và George W. Bush của đảng Cộng hòa đã khiến thời gian chuyển giao bị rút ngắn xuống còn một nửa so với thông thường. Phải đến 5 tuần sau ngày bầu cử, ông George Bush mới được tuyên bố là người chiến thắng. Điều này khiến thời gian chuyển tiếp chỉ còn kéo dài 39 ngày.
Nguồn kinh phí phục vụ chuyển giao
Tổng chi phí cho quá trình chuyển giao được thanh toán bởi quỹ của cả nhà nước lẫn tư nhân. Trong năm nay, ban điều hành của GSA có thẩm quyền hợp pháp để giải ngân hơn 6 triệu USD tiền tại trợ liên bang cho nhóm chuyển giao của ông Joe Biden.
Ngoài ra, theo ghi nhận của báo New York Times, ông Biden đã quyên góp được ít nhất 7 triệu USD từ các khoản đóng góp tư nhân cho quá trình chuyển giao của mình. Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ cho phép các cá nhân hoặc tổ chức tài trợ tối đa 5.000USD cho quá trình chuyển giao của một ứng cử viên tổng thống, với điều kiện phải công khai.
Người chỉ đạo kế hoạch chuyển giao của ông Biden
Theo VOA, Tổng thống đắc cử Joe Biden vào tháng 4 vừa qua đã chỉ định phụ tá lâu năm Ted Kaufman làm người đứng đầu nhóm chuyển giao của mình, trong trường hợp ông đắc cử.
Ông Ted Kauffman, người đứng đầu đội ngũ chuyển giao của ông Joe Biden. Ảnh: AP |
Ông Kaufman là cựu Chánh văn phòng của ông Biden tại Thượng viện, và cũng là người kế nhiệm chức Thượng nghị sĩ của ông Biden vào năm 2009.
Bên cạnh đó, ông cũng từng có thời gian làm việc trong nhóm chuyển giao của cựu Tổng thống Barack Obama năm 2008, và hỗ trợ việc soạn thảo đạo luật năm 2010 về việc cung cấp sự hỗ trợ của chính phủ đối với đội ngũ chuyển giao của tổng thống đắc cử.
Theo Vietnamnet