Trong kho tàng tư tưởng cách mạng vô cùng quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta có tư tưởng về thi đua yêu nước. Theo Người, thi đua yêu nước là một phong trào cách mạng rộng lớn, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến tất cả các thành phần, các tầng lớp xã hội.Trong bài viết “Thanh Hóa kiểu mẫu” (2-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến việc tổ chức thí điểm một đồn điền được chia thành hai đội “để thi đua nhau cho mau tiến bộ, nhưng về kinh nghiệm, dụng cụ, súc vật thì phải giúp lẫn nhau”(1). Ngày 20-3-1947, Bác viết tác phẩm “Đời sống mới”, Bác xác định “một cách tốt nhất là tổ chức thi đua. Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác. Ai hơn thì được nhân dân kính trọng và Chính phủ khen thưởng. Như vậy, ai cũng hăng hái”(2). Nhân kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến toàn quốc, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và chỉ rõ “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương binh; bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam , bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”(3). Người tin tưởng: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”(4). Bởi theo Người “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực”(5) giúp “bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta”(6). Vì vậy, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(7).
Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua và yêu nước luôn là hai thành tố thống nhất chặt chẽ: Thi đua là động lực phát huy lòng yêu nước và tinh thần yêu nước. Thi đua còn có tác dụng “cải tạo con người”(8), giúp loại trừ những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ và thói xấu. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn vì “Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm”(9). Trong bài “Nói chuyện với Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội” ngày 20-6-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Muốn làm cho mọi công tác tiến lên nữa, cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, và phải làm sao cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi, liên tục, thành hoạt động tự giác của mọi người”(10).
Thi đua không chỉ là hoạt động sáng tạo, tích cực trong lao động, trong công việc hằng ngày mà nó trở thành hoạt động tư tưởng và tinh thần, là biểu hiện của lòng yêu nước, là biểu hiện của tinh thần đấu tranh cách mạng, hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và tinh thần quốc tế cao cả. Ngay từ khi phát động phong trào thi đua Bác nói: “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”(11). Người căn dặn: “Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: tăng gia sản xuất, công việc hằng ngày và học tập (chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới)”(12)
Không chỉ để lại tư tưởng thi đua yêu nước, Người còn để lại những kinh nghiệm phong phú, quý báu về công tác lãnh đạo, tổ chức, vận động phong trào thi đua. Bác nhấn mạnh mục đích Thi đua yêu nước là “Diệt giặc đói”, “Diệt giặc dốt”, “Diệt giặc ngoại xâm”(13), để đem lại kết quả đầu tiên là: “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc. Toàn dân biết đọc, biết viết. Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”(14) tiến tới đạt được mục đích lâu dài: “Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”(15)
Từ quan điểm rất giản dị “Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”, Người kêu gọi: “... toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất”(16). Nội dung Thi đua yêu nước là phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hàng ngày của mỗi người. Nội dung thi đua phải cụ thể, thiết thực, có kế hoạch tỉ mỉ, gắn với từng nhiệm vụ, từng công việc của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi địa phương, mỗi ngành, tránh tình trạng “Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi. Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được”(17), càng phải tránh hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”(18). Về cách tổ chức phong trào Thi đua yêu nước, Người chỉ rõ: “Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng”(19) và “Lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và điển hình. Phải chống tư tưởng ngại khó khăn, tư tưởng ỷ lại”(20). Do đó, “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân”(21); các phong trào Thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng. Về phương châm thi đua yêu nước, Người chỉ rõ, thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; phải chú trọng khen thưởng kịp thời “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”(22). Khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. “Những Chiến sĩ thi đua và Anh hùng thi đua sẽ được tôn trọng đặc biệt ở địa phương, quyền lợi này sẽ do Ban Trung ương thi đua và Bộ Nội vụ đề nghị lên Chính phủ quyết định”(23). Với ý nghĩa đó Hồ Chí Minh khẳng định “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”(24).
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là những định hướng, là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua, khen thưởng trong từng giai đoạn cách mạng. Những quan điểm của Người có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, hy sinh gian khổ và giành những thắng lợi to lớn. Thông qua phong trào, mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi địa phương, mỗi ngành, lĩnh vực sẽ phát huy tinh thần yêu nước, thực hành tiết kiệm, đóng góp sức mình cho xã hội, cho đất nước, làm cho phong trào Thi đua yêu nước thực sự trở thành nguồn động lực vô cùng mạnh mẽ nhằm “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(25).
Trong giai đoạn hiện nay, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi đường cho đổi mới về nhận thức, về công tác lãnh đạo, tổ chức, vận động phong trào thi đua yêu nước./.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1), (2), (3), (4), (13), (14), (15), (16), (21), (23), (24). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.82, 119, 556, 557, 556, 557, 557, 513, 556, 644, 557.
(5), (6), (7), (8), (12), (19). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.406, 407, 407, 408, 146, 146.
(9), (10), (11), (17), (18). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.169, 605, 70, 169, 170.
(20). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.213.
(22). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.189.
(25) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập I, tr.111.
Ngọc Cảnh