Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những nội dung cơ bản, xuyên suốt trong hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2-1951 _Nguồn: hochiminh.vn
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930 vừa phù hợp với quy luật phát triển của thời đại, vừa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ, “Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ động cho quần chúng kiên quyết cách mạng; làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi. Cách mạng là cuộc đấu tranh rất phức tạp. Muốn khỏi đi lạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng”(1).
Trong bài viết “Ba mươi năm hoạt động của Đảng” đăng trên báo Nhân Dân, số 2120, ngày 6/01/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”(2). Đây là sự khái quát quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quá trình hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam; một sự vận dụng sáng tạo của Người khi quán triệt học thuyết Mác - Lênin về Đảng Cộng sản. Chính vì vậy, ngay từ rất sớm, Người đã khẳng định vai trò to lớn, có ý nghĩa quyết định bởi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam, thể hiện trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt khi Đảng mới thành lập, đó là: “... chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”; “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”; “Mở mang công nghiệp và nông nghiệp”. “Giải phóng công nhân và nông dân thoát khỏi ách tư bản”(3).
Đề cập đến sự cần thiết thành lập Đảng Cộng sản, trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927), Người cho rằng “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(4). “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”(5).
Khi cách mạng Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm, vượt qua bao nhiêu sóng gió, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tỏ rõ là lực lượng lãnh đạo tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Thành quả rực rỡ đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân dân ta đã lật đổ ách thống trị của đế quốc, phát xít cấu kết với giai cấp địa chủ phong kiến, thiết lập chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(6).
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vẻ vang của hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, qua đó vai trò lãnh đạo của Đảng ta tiếp tục được khẳng định rõ rệt hơn: “Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến suốt chín năm và đã thắng lợi. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”(7). Qua thực tế lãnh đạo các phong trào cách mạng, phẩm chất, năng lực, uy tín cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng thể hiện rõ hơn. Đó cũng là minh chứng cho luận điểm vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo”. Người nhấn mạnh: “Đảng ta có cơ sở khắp cả nước, Đảng đã thu hút những người cách mạng nhất, ưu tú nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng có chính cương, đường lối đúng. Đảng lãnh đạo toàn dân đoàn kết kháng chiến, tranh được nhiều thắng lợi. Đó là thành tích vẻ vang của Đảng ta”(8).
Bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh quốc tế phức tạp, tình hình kinh tế, xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, với sự trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, nhân dân ta đã giành được những thành tựu quan trọng, khắc phục được hậu quả chiến tranh để lại, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quan hệ quốc tế không ngừng được mở rộng, quốc phòng, an ninh được tăng cường, sức mạnh tổng hợp của đất nước tiếp tục được giữ vững và phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều đó càng khẳng định một cách sinh động và thuyết phục hơn sự đúng đắn trong thực tiễn của quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Những thành tựu đạt được là rất “to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(9). Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó yếu tố hết sức quan trọng là Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường, củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(10).
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng ta. Vận dụng quan điểm của Người trong tình hình hiện nay, Đảng ta xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(11); “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(12)./.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.2744
(2), (5): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.406, 406.
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1-4.
(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.289.
(6), (8). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.25, 395.
(7). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.246.
(9), (11), (12). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.I, tr.25, 180, 40.
(10). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.611-612.
Ngọc Cảnh