Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới xây dựng đội ngũ trí thức. Thấm nhuần chân lý bất hủ của Thân Nhân Trung trong bài văn bia “Đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất” niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước càng mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm khoa học, toàn diện, xuyên suốt về trí thức “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”(1).
Bác Hồ nói chuyện với GS. Trần Hữu Tước và các đại biểu trí thức là đại biểu Quốc hội - 1964
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức
Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của người trí thức đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong Sách lược vắn tắt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng, từ đó Người căn dặn “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ vào phe vô sản giai cấp(2) Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (3/9/1945), Bác nêu rõ “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”(3). Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, trong lúc này “lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội”(4). Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), trả lời cho câu hỏi “Trí thức là gì?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra”(5)..
Tháng 2/1948, Bác viết Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc, bức thư có đoạn “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa, để làm gương cho nhân dân”(6)
Sau Đại hội lần thứ II, với tư cách Chủ tịch Đảng, trong bài Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc đăng trên báo Nhân dân số 6, ngày 1/5/1951 Người chỉ rõ vai trò của trí thức đối với Đảng: “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất. Và: “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng”(7). Trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 1, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam (21/7/1956) Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Lực lượng chủ chốt của cách mạng là công nhân và nông dân… Nhưng cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức... Vì lẽ đó, trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí, cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”(8). Luận điểm trên của Người đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của trí thức trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu quý, trọng dụng đội ngũ trí thức
Ở cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi, tin yêu, quý trọng đội ngũ trí thức Việt Nam và khẳng định: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”(9). Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng trí thức không chỉ ở chỗ giao cho họ những chức vụ cao, mà còn chú ý sắp xếp trí thức vào những vị trí phát huy được tài năng của họ và quan tâm chăm sóc, tôn vinh những trí thức có công phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Trong bài Thiếu óc tổ chức - Một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân đăng trên báo Cứu quốc, số 58 ngày 04/10/1945, Người chỉ rõ: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không phải là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”(10).
Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam, có người nổi tiếng trong chế độ cũ, có người đã thành danh ở nước ngoài đã đi theo cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân, trở thành những người có công với cách mạng. Người chỉ ra rằng: “Đảng và Chính phủ rất chú ý đến việc giúp đỡ anh em trí thức cũ tiến bộ, cải tạo tư tưởng, đồng thời đào tạo ra trí thức mới từ lớp công nhân, nông dân ra”(11). Trong Bài nói tại buổi Lễ bế mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức ngày 26/9/1953, Người nói: “Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất yêu quý trí thức. Yêu quý những trí thức gắn liền lý luận với thực hành, những trí thức thật lòng thật dạ, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Yêu quý những trí thức đoàn kết thành một khối với nhân dân, những trí thức của nhân dân”(12).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức
Để đào tạo, bồi dưỡng trí thức, ngay từ năm 1926, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là cán bộ Quốc tế cộng sản đã tổ chức cho nhiều thế hệ thanh niên yêu nước ra nước ngoài học tập rồi trở về nước tham gia hoạt động cách mạng. Ngày 1/11/1945, trong Thư gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếcnơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác mong muốn tiếp cận thành tựu khoa học hiện đại của nước Mỹ, bởi “những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam”(13). Để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, theo Người, trí thức cần gần gũi công nông, tự động tìm đến công nông để xóa bỏ dần sự tách rời giữa lao động trí óc và lao động chân tay “công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gụi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông”(14) Trong Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới (ngày 16/10/1968), Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc xây dựng hệ thống các trường đại học và trường trung học chuyên nghiệp có sự “phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức”(15). Trong quá trình xây dựng và đào tạo trí thức, bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và khoa học - công nghệ, cần đặc biệt coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức, phong cách làm việc cho đội ngũ trí thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới lý tưởng và mục đích học tập, phấn đấu của người trí thức. Người mong muốn “làm cho những người trí thức chúng ta trở thành những người trí thức của giai cấp công nhân, hết lòng hết sức phục vụ công nông, góp phần xứng đáng và vẻ vang vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”(16). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện “tài”, “đức” cho cán bộ, trong đó có đội ngũ trí thức. Đặc biệt, với người trí thức mới, tài phải đi đôi với đức, trong đó đức là gốc, bởi: “Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”(17). Người khẳng định, “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”(18).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ trí thức là tổng hòa các quan điểm về trí thức của chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh hoa tư tưởng văn hóa của nhân loại và dân tộc. Những quan điểm của Người có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là kim chỉ nam cho việc xây dựng đội ngũ trí thức hiện nay, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1), (5), (6), (9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.184; 275; 472; 275.
(2). Hồ Chí Minh: sđd, t.3, tr.3.
(3). Hồ Chí Minh: sđd, t.13, tr.90.
(4), (7), (14). Hồ Chí Minh: sđd, t.7, tr.72; 71; 73.
(8). Hồ Chí Minh: sđd, t.10, tr.376.
(10), (13). Hồ Chí Minh: sđd, t.4, tr.43; 91-92.
(11), (12). Hồ Chí Minh: sđd, t.8, tr.56; 297.
(15). Hồ Chí Minh: sđd, t.15, tr.506.
(16), (18). Hồ Chí Minh: sđd, t.11, tr.243; 399.
(17). Hồ Chí Minh: sđd, t.14, tr.400.
Thảo Ly