Hỏi: Xin cho biết quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân vận và công tác dân vận từ đại hội VI đến đại hội XIII?
Trả lời:
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vị trí, vai trò và khẳng định tầm quan trọng của dân vận và công tác dân vận. Quan điểm của Đảng về dân vận và công tác dân vận được thể hiện xuyên suốt và thống nhất từ Cương lĩnh chính trị, văn kiện đại hội, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, quy chế, quy định… cùng sự vận dụng phù hợp theo từng thời kỳ cách mạng.
Đại hội VI của Đảng (1986) đề ra đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, mở ra thời kỳ phát triển mới. Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”; “Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân là làm suy yếu sức mạnh của Đảng”(1). Tại Đại hội này, Đảng ta đã đề ra cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, xác định đó là “cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội”. Phương thức vận động quần chúng phải được đổi mới theo khẩu hiệu: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Thực hiện chương trình hành động toàn khóa của Đại hội, ngày 27-3-1990, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Nghị quyết 8b-NQ/HNTW về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân”. Nghị quyết 8b-NQ/HNTW chỉ ra bốn quan điểm chỉ đạo: (1) Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; (2) Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; (3) Các hình thức tập hợp Nhân dân phải đa dạng; (4) Công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Tư tưởng này tiếp tục được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) khẳng định: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”.
Thực hiện các nghị quyết từ Đại hội VII đến Đại hội XI của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác dân vận như: Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 về “xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” trong đó nêu rõ “thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình”; các Nghị quyết số 23, 24, 25, khóa IX (năm 2003) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo; Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25-2-2010 về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”;…
Đại hội VIII (1996) đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước”. Tại Đại hội này, khái niệm “khẩu hiệu” được thay bằng khái niệm “phương châm”.
Đặc biệt, Bộ Chính trị khóa X đã ra quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25- 2-2010 ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, quy định rõ: “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang”.
Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Công tác dân vận của hệ thống chính trị có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các cấp uỷ đảng, chính quyền lắng nghe, tăng cường đối thoại với các tầng lớp nhân dân, tôn trọng các loại ý kiến khác nhau”(2). Đại hội XI của Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra: “Một số tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể nhân dân chưa quan tâm đúng mức công tác dân vận. Nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng vẫn nặng tính hành chính”(3).
Đặc biệt, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” nhấn mạnh: “Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”(4). Nghị quyết khẳng định năm quan điểm chỉ đạo: (1) Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ. (2) Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, nhưng gì có hại cho dân thì hết sức tránh. (3) Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo. (4) Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt. (5) Nhà nước tiếp tục thể chế hóa có chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thành quy chế, quy định để các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện công tác dân vận; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả.
Nghị quyết Đại hội XII tiếp tục đề ra nhiệm vụ “thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; xác định mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân” nhằm “Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(7); nhấn mạnh “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”(9).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(10) với phương châm “kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(11).
Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”(14) thể hiện ở một số nội dung cụ thể: (1) “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận”(15). (2) “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”(16). (3) “Chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân vận”(17). (4) “Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân”(18). (5) “Tích cực đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận”(19).
Chú thích và tài liệu tham khảo:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.,1987, tr.29.
(2), (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2011, tr.158, 175.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H., 2013, tr.36.
(5), (6), (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H., 2016, tr.190; 196; 210.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc toàn lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H., 2016, tr.210.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc toàn lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H., 2016, tr.210.
(10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., 2021, t.I, tr.28, 27, 92; t.II, tr.205, 248, 248, 248, 249, 249, 249.
Nguyễn Thùy Trang