* Quan điểm sai trái, thù địch
Từ trước đến nay, đặc biệt là vào dịp đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng và trước cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các thế lực thù địch, phản động lại đưa ra những quan điểm sai trái, thù địch nhằm bôi nhọ, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước ta về công tác nhân sự, nhất là ở cấp Trung ương. Chúng xuyên tạc rằng, công tác nhân sự của Đảng không có dân chủ hoặc chỉ là dân chủ hình thức, thực chất là sự áp đặt của một số người có chức có quyền. Đảng ôm đồm, bao biện, can thiệp vào công tác cán bộ của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Quá trình công tác nhân sự thực chất là sự phân chia, tranh giành quyền lực giữa các “nhóm lợi ích” và giữa “nhóm lợi ích này” với “nhóm lợi ích” khác.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Những luận điệu nêu trên của các thế lực thù địch là bịa đặt, vu khống, bóp méo sự thật nhằm chống phá Đảng. Điểm 2, Điều 41 Điều lệ Đảng quy định: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”. Vì vậy, Đảng phải lãnh đạo chuẩn bị nhân sự cho cả hệ thống chính trị.
Trước các kỳ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc và các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Bộ Chính trị đều ban hành các chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, bảo đảm dân chủ, khách quan. Cụ thể là:
- Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” nêu rõ: “Cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ và sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội...”.
- Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về “Lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” nêu rõ: “Lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ...; kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết. Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”.
- Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị về “Phân cấp quản lý cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử” nêu rõ: “Quy trình, thủ tục bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử phải thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội”. Theo đó, việc giới thiệu nhân sự cấp ủy các cấp thực hiện theo quy trình 5 bước. Điều đó cho thấy, công tác nhân sự của Đảng được tiến hành rất công phu, nghiêm túc.
Các chỉ thị, quy định, kết luận... của Đảng và thực tiễn nêu trên cho thấy: Công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, vừa bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương; vừa phát huy dân chủ, bảo đảm công tâm, công khai, minh bạch và tạo được sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
TĐ