* Quan điểm sai trái, thù địch
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã đưa ra mục tiêu phát triển đất nước: “phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Để đạt được mục tiêu trên, Đảng ta đã đưa ra các mục tiêu cụ thể là: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”
Ngay sau đó, đã có một số ý kiến tỏ rõ sự hoài nghi về các mục tiêu mà Đảng ta đưa ra ở Đại hội XIII. Họ cho rằng: “Những mục tiêu đó không có tính khả thi vì hiện tại Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo nàn, kém phát triển nên chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ không thể nào đạt được những mục tiêu đã đề ra”, đó là sự “viển vông”, “không có cơ sở để thực hiện”.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Thực tiễn lịch sử hơn 90 năm thành lập Đảng, hơn 75 năm thành lập nước đã cho thấy: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”2. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, ngày nay, Việt Nam không chỉ có nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, mà còn có các chính sách phát triển kinh tế - xã hội hài hòa, nhân văn vì con người. Hơn 35 năm qua, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Có được những kết quả đó là nhờ Đảng ta đã kiên trì, kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối của Đảng cho phù hợp với bối cảnh của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Do đó, không thể cố tình xuyên tạc rằng ở Việt Nam “người sau chẳng bao giờ nghe theo người trước”.
Trong bối cảnh khu vực và thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 6%/năm), là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên một bước. Xã hội cơ bản ổn định, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao (tỷ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1993 giảm xuống 9,88% năm 2016 và hiện còn dưới 3%). Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam... có nhiều chuyển biến tích cực.
Những kết quả trên là một bằng chứng thuyết phục để khẳng định những mục tiêu mà Đảng ta đưa ra không phải là “viển vông”, “ảo tưởng”, mà dựa trên thực tiễn đã được xác lập./.
PV