* Quan điểm sai trái, thù địch
Những quan điểm sai trái, thù địch về thực hiện dân chủ trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tập trung vào những vấn đề sau: Nhà nước Việt Nam bắt ép người dân đi bầu, thậm chí chính quyền còn mang hòm phiếu đến tận nhà bắt dân bỏ phiếu, nếu không bỏ phiếu sẽ bị xử phạt và gây khó dễ sau này; bầu cử ở Việt Nam chỉ là hình thức vì đã sắp xếp từ trước; chúng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc bằng cách đưa ra các bình luận vô căn cứ về cơ cấu vùng miền.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Điều 27 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Như vậy, bầu cử là quyền của công dân, Nhà nước không bắt ép người dân đi bầu mà đây là việc làm tự nguyện, dựa trên ý thức công dân và trách nhiệm xã hội của mỗi người. Đa số người dân đều nhận thức được rằng, bầu cử là để chọn ra người đại diện, tham gia vào việc phát triển và kiến tạo đất nước, đó là điều tốt đẹp thì tại sao lại từ chối quyền này.
Việc Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị, trại tạm giam, nhà tạm giữ để các cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật và những người đang bị tạm giam, tạm giữ thực hiện quyền bầu cử là việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện sự dân chủ và tôn trọng của Nhà nước đối với quyền công dân. Các tổ chức phản động xuyên tạc thành Nhà nước bắt ép công dân bầu cử là một sự vu khống trắng trợn và bịa đặt vô liêm sỉ.
Bộ luật Hình sự quy định người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Nếu phạm tội có tổ chức thì bị phạt tù từ một năm đến hai năm.
Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”. Như vậy, quyền bầu cử và ứng cử không ưu tiên cho bất cứ ai mà áp dụng như nhau đối với mọi công dân đủ điều kiện.
Nếu đưa tất cả những người đã đăng ký ứng cử vào danh sách bầu cử sẽ tạo ra một cuộc bầu cử lộn xộn, cử tri không thể nắm bắt được hết thông tin về các ứng cử viên, vì vậy cần phải thu hẹp danh sách ứng cử viên để đưa ra bầu cử. Thu hẹp danh sách là việc làm cần thiết mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng tiến hành, điều quan trọng là việc làm ấy có được thực hiện dân chủ hay không. Pháp luật hiện hành quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở trung ương và địa phương chủ trì 3 lần hiệp thương, đồng thời tiến hành hội nghị cử tri nơi cư trú hoặc nơi công tác để xác định danh sách cuối cùng. Các hoạt động này được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, công bằng cho mọi ứng cử viên.
Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và phải mời hai cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến việc kiểm phiếu. Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu”. Với cơ chế giám sát kiểm phiếu như vậy thì rất khó thực hiện gian lận bầu cử để bố trí người theo sắp xếp từ trước.
Điều 7 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sau đây: mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là năm trăm người”. Như vậy, đã có quy định rõ ràng về cách xác định số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi địa phương thì không thể nói rằng có sự bất bình đẳng vùng, miền trong bầu cử.
Việc giới thiệu và bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, pháp luật, trên cơ sở xem xét tài, đức và sở trường công tác của từng người. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều người xuất thân từ cả ba miền Bắc - Trung - Nam từng giữ các chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ..., được nhân dân kính trọng, tin tưởng và yêu mến. Không có bất cứ quy định nào cũng như không có thực tế nào chứng minh được các vị trí lãnh đạo cấp cao chỉ dành cho người của một vùng, miền nhất định./.
TĐ