* Quan điểm sai trái, thù địch
Những năm qua, do cách nhìn thiên lệch, thiếu thiện cảm nên trong các báo cáo của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng như trên một số trang mạng luôn có những nhận định sai trái, thiếu khách quan về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Cụ thể như: Ở Việt Nam chưa có tự do tôn giáo thật sự; luật pháp Việt Nam sử dụng điều khoản về an ninh quốc gia, các “tội danh mơ hồ” để “đàn áp, hạn chế” tự do tôn giáo; Nhà nước Việt Nam gây khó khăn cho việc đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo, đặc biệt với các nhóm tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số; ở Việt Nam có các tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo... Những nhận định nói trên hoàn toàn mang tính bịa đặt, bóp méo sự thật và xuyên tạc chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thừa nhận trong Điều 24 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam hoàn toàn tương thích với luật pháp quốc tế. Một số nguyên tắc, chuẩn mực cơ bản về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo đã được ghi nhận trong các luật và bộ luật quan trọng của Việt Nam như: Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (Điều 9); Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 116), Luật Giáo dục năm 2019 (Điều 13, Điều 20); Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (Điều 17)... Đặc biệt, trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Nhà nước Việt Nam đã quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, của tổ chức tôn giáo, của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Trên thực tế, các cá nhân và tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều được tự do hoạt động theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với 26.689.748 tín đồ, trong đó có 57.716 chức sắc, 130.167 chức việc; ở Việt Nam hiện có 29.854 cơ sở thờ tự và hơn 60 cơ sở đào tạo của các tổ chức tôn giáo. Cùng với các tổ chức của Công giáo, Phật giáo, Islam giáo, Bàni giáo, Bàlamôn giáo, hàng trăm chi hội và hàng ngàn điểm nhóm của đạo Tin Lành đã được cấp đăng ký và công nhận hoạt động trong vùng dân tộc thiểu số. Hầu hết các tôn giáo đều có các ấn phẩm như báo, tạp chí, các trang thông tin điện tử... để quảng bá nội dung tôn giáo và phản biện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Ở Việt Nam, mọi người dân vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật. Những cá nhân được gọi là các “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”... thực chất là những công dân có hoạt động chống đối Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia, vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam nên đã bị xử lý, phạt tù. Điều này cũng hoàn toàn bình thường, giống như ở nhiều nước phương Tây đã từng có rất nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì có hành vi nhân danh tôn giáo, vượt qua giới hạn cho phép của luật pháp./.