* Quan điểm sai trái, thù địch
Một là, phê phán, xuyên tạc lý luận văn học, nghệ thuật mácxít; đề cao, cổ xúy khuynh hướng nghiên cứu và sáng tác văn học, nghệ thuật theo hướng tuyệt đối hóa hình thức, xem nhẹ nội dung tư tưởng của văn học, nghệ thuật.
Hai là, phê phán Đảng và Nhà nước ta áp đặt tư tưởng trong sáng tác văn học, nghệ thuật, trói buộc văn nghệ sĩ, làm thui chột sự sáng tạo văn học, nghệ thuật, từ đó đòi “văn học, nghệ thuật phải độc lập với chính trị”, cổ vũ tư tưởng văn nghệ sĩ tự thân là một bá quyền trong vương quốc của cái đẹp và không cần sự lãnh đạo.
Ba là, phủ nhận xuyên tạc giá trị văn học, nghệ thuật cách mạng, cổ xúy những tác phẩm xuyên tạc sự thật lịch sử dân tộc, thổi phồng và bôi đen hiện thực cuộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, “hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh, tán dương những tác phẩm văn học, nghệ thuật truyền bá lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, đề cao giá trị vật chất, cái tôi cực đoan.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, lý luận văn học, nghệ thuật mácxít có giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc, là định hướng quan trọng cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật chân chính, phục vụ đông đảo nhân dân lao động, vì sự tiến bộ của nhân loại. Lý luận văn học, nghệ thuật mácxít không những đã khám phá, nhận diện đúng đắn bản chất, làm rõ quy luật phát triển, chức năng, vai trò của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội mà còn chỉ ra những nguyên tắc, phương pháp luận trong sáng tác để văn học, nghệ thuật thật sự có giá trị đối với cuộc sống con người. Chức năng cơ bản của văn học, nghệ thuật là chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ và chức năng giáo dục, giúp nâng cao tính cao thượng và tình cảm thẩm mỹ trong tâm hồn con người, hướng con người tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ để hình thành phẩm chất, nhân cách của con người và cải tạo thế giới.
Hai là, Đảng lãnh đạo văn học, nghệ thuật không những không áp đặt mà còn tạo điều kiện để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình trong đời sống xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn đề cao vai trò của văn học, nghệ thuật: “Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”. Từ đó, Đảng định hướng để văn học, nghệ thuật phát huy cao nhất chức năng hướng tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ vì khát vọng cao đẹp của nhân dân và dân tộc Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật không phải là sự áp đặt mà đó là nhu cầu khách quan để thực hiện mục tiêu, lý tưởng của dân tộc và đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển toàn diện của văn học, nghệ thuật để đáp ứng khát vọng tốt đẹp, phong phú và lành mạnh của nhân dân cũng như trở thành “một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam”
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng luôn tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, không can thiệp sâu vào cá tính sáng tạo, cảm hứng sáng tác, phương pháp sáng tác, các tác nghiệp, kỹ năng thực hành văn học - nghệ thuật... Đảng chủ trương: “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật”. Bởi vậy, Đảng thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo đối với văn học, nghệ thuật theo hướng vừa bảo đảm để văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Từ đó có thể thấy, quan điểm “văn học, nghệ thuật phải độc lập với chính trị” không những có tính chất sai lầm học thuật mà còn là luận điệu xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật.
Ba là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn học, nghệ thuật cách mạng đã hình thành, phát triển nhanh chóng và đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Được soi sáng bằng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối văn nghệ đúng đắn của Đảng, văn học, nghệ thuật cách mạng đã phản ánh chân thực, sinh động hiện thực cách mạng; nhiều tác phẩm đạt tới tầm cao về tư tưởng và có giá trị văn nhân văn sâu sắc, giá trị nghệ thuật đặc sắc, tạo ra những hình tượng đậm chất lý tưởng và mang tầm văn hóa lớn trong đấu tranh cách mạng, hướng con người đi đến những cái cao thượng, anh hùng... Nền văn học, nghệ thuật cách mạng đã thể hiện được tiếng lòng và khát vọng của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam và đã góp phần cổ vũ đồng bào cả nước đồng sức, đồng lòng thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, văn học, nghệ thuật cách mạng vẫn tiếp nối nguồn mạch truyền thống dân tộc và cách mạng, khắc phục những hạn chế, tiếp thu tinh hoa nhận loại để làm giàu cho mình và đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước./.
ĐT