Ngày 15/02/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được chính thức tuyên bố thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền cùng sự chi viện của hậu phương miền Bắc, Quân Giải phóng miền Nam nhanh chóng trưởng thành, lớn mạnh, lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ghi dấu những mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng
Quá trình ra đời và phát triển
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể hiện tư duy sáng tạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Tháng 6/1956, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ và công tác miền Nam. Về Các lực lượng vũ trang tại miền Nam, Bộ Chính trị chủ trương: “Duy trì và phát triển các lực lượng vũ trang đó đến một mức độ nhất định, nhưng nó phải do Đảng lãnh đạo thì mới có thể duy trì và phát triển được”[1].
Tháng 01/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam ở miền Nam: “Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[2].
Để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) khẳng định: “Xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang nhân dân là một trong những điều kiện quan trọng của cách mạng nước ta để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược”.
Một đơn vị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Quán triệt chủ trương của Đại hội, tháng 01/1961, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) ra Chỉ thị thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam.
Chỉ thị nêu rõ: “Quân Giải phóng miền Nam là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo…”[3]. Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ xây dựng ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Ngày 15/2/1961, lễ ra mắt Quân Giải phóng miền Nam được chính thức tổ chức tại chiến khu D; đặt dưới sự lãnh đạo về mọi mặt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên là Ban Quân sự thuộc Trung ương Cục (từ tháng 10/1963 là Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Miền).
Những thắng lợi vẻ vang
Từ một số nhóm vũ trang thô sơ ban đầu, Quân Giải phóng miền Nam nhanh chóng trở thành đội quân hùng hậu với ba thứ quân tài giỏi, có chỉ huy thống nhất, có nhiều binh chủng được trang bị mạnh, huấn luyện tốt, có trình độ chiến đấu hiệp đồng ngày càng cao, được bố trí ngay từ đầu với thế chiến lược có mặt ở cả ba vùng, phát huy sức mạnh tổng hợp vô địch của hình thái chiến tranh nhân dân.
Sự ra đời và chiến đấu của Quân Giải phóng miền Nam bên cạnh cuộc đấu tranh chính trị và khởi nghĩa của quần chúng đã làm phá sản chiến lược thực dân mới của Tổng thống Mỹ Eisenhower - chiến tranh đơn phương (1954 - 1960). Với những chiến công oanh liệt như Ấp Bắc, Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài… Quân Giải phóng miền Nam đã góp phần to lớn làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961-1965) của J.Kennedy.
Khi đội quân viễn chinh Mỹ ồ ạt nhảy vào miền Nam Việt Nam, Quân Giải phóng đã kiên quyết tiến công từ Vạn Tường đến cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Johnson. Trải qua nhiều chiến dịch trong đó có chiến dịch đường số 9 oanh liệt và cuộc tổng tiến công năm 1972, Quân Giải phóng miền Nam đã làm phá sản một bước nghiêm trọng chiến lược “Việt Nam hóa” của học thuyết Nixon, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân viễn chinh Mỹ về nước.
Những năm sau đó, Quân Giải phóng miền Nam tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong cuộc đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao của nhân dân ta nhằm bảo vệ và thi hành Hiệp định Paris, bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Một đơn vị Quân Giải phóng trước giờ xuất kích trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (Ảnh tư liệu)
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân Giải phóng miền Nam cùng với quân và dân cả nước đã tiến hành các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên, Huế - Đà Nẵng, nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Quá trình chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Quân Giải phóng và đồng bào miền Nam, cùng với chiến công oanh liệt của quân và dân miền Bắc hai lần đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ, đã làm nên thắng lợi vĩ đại có tính thời đại của dân tộc ta: “đánh thắng tên đế quốc đầu sỏ, buộc chúng rút hết quân đội xâm lược trên đất nước ta, tạo ra những điều kiện mới để đưa cuộc chiến đấu của nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”[4].
Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu
Ngay từ lúc mới ra đời, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thể hiện bản chất một đội quân nhân dân chân chính, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Đội quân ấy là những người con trai, con gái ưu tú của nhân dân lao động và của tất cả những người yêu nước chân chính, chiến đấu dưới ngọn cờ đại nghĩa của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vì độc lập, tự do của đất nước và hạnh phúc của đồng bào.
Kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của các lực lượng vũ trang nhân dân, phát triển và trưởng thành trong đường lối chính trị và quân sự đúng đắn của Đảng, Quân Giải phóng miền Nam luôn luôn ở tư thế tiến công và chiến thắng, hoạt động trong sự đùm bọc, che chở của nhân dân. Đó là đội quân đầy khí phách anh hùng cách mạng, trung với nước, hiếu với dân, khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Bằng những cuộc chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của mình, Quân Giải phóng miền Nam nói riêng và lực lượng vũ trang nhân dân cả nước nói chung đã nêu bật một chân lý của thời đại: Một dân tộc, đất không rộng lắm, người không đông lắm, kinh tế còn chưa phát triển, kiên quyết đứng dậy, có đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, đoàn kết đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, được sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng cách mạng và loài người tiến bộ, có đủ khả năng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, kể cả đế quốc Mỹ; đồng thời xứng đáng với lời biểu dương của toàn dân ghi bằng 12 chữ vàng trên ngọn cờ bách chiến bách bách thắng của mình: “Trung thành vô hạn, anh dũng tuyệt vời, chiến thắng vẻ vang”.
Những dấu ấn của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đi vào lịch sử chiến tranh cách mạng như những bản hùng ca, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.17, tr.225.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr.81.
[3] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập III – Đánh thắng chiến tranh đặc biệt (xuất bản lần thứ ba), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 36.
[4] Báo Nhân Dân, số 7592, ngày 15/2/1975.
Lê Thủ