Quan hệ song phương có nguồn gốc lịch sử lâu đời
Việt Nam và Ấn Độ có lịch sử giao lưu văn hóa và văn minh lâu đời. Kể từ thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, các thương nhân và tăng nhân thông qua nghệ thuật, kiến trúc, tri thức và hệ tư tưởng… đã giới thiệu nền văn minh Ấn Độ đến với Việt Nam. Ở miền Nam và miền Trung Việt Nam, nền văn hóa Óc Eo của nền văn minh Phù Nam và nền văn minh Chămpa có vai trò quan trọng như một chiếc cầu nối trong việc kết nối nền văn hóa Ấn Độ với văn hoá bản địa Việt Nam. Từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, cùng với các đoàn thương thuyền, các nhà sư Phật giáo Ấn Độ đã mang tư tưởng của Đức Phật đến với Việt Nam[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad đến thăm Nhà máy Chế tạo máy công cụ số 1 Hà Nội, ngày 24-3-1959. Ảnh: Internet.
Trong thế kỷ 20, với sự nỗ lực và tận hiến của các bậc tiền nhân lập quốc của hai quốc gia như Hồ Chí Minh, Gandhi và Nehru, quan hệ song phương đã phát triển sang một giai đoạn mới “trong sáng như bầu trời không gợn mây”. Vào năm 1954, J.Nehru là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đến thăm Việt Nam ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Bốn năm sau, vào năm 1958, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà - Hồ Chí Minh, đã đến thăm Ấn Độ và phát biểu rằng quan hệ Ấn Độ - Việt Nam “nở rộ dưới bầu trời thanh bình”[2]. Sự khởi đầu đó là khởi nguồn và vẫn vang vọng trong mối quan hệ hiện tại của hai nước, mà sau này luôn duy trì sự thân thiện và bền chặt, đặc biệt là trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước[3].
Kể từ khi Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất năm 1975 cho đến nay, quan hệ song phương đã phát triển nhanh chóng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 1975, Ấn Độ dành cho Việt Nam ưu đãi về thương mại. Năm 1978, hai nước ký hiệp định thương mại. Năm 1982, hai nước bắt đầu triển khai các phiên họp thường kỳ của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật và vẫn duy trì đến hiện tại. Tiếp sau đó, vào năm 1984 và 1989, các chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tạo động lực thúc đẩy các cuộc trao đổi mới về các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước.
Vào những năm 1990, sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh và sự tan rã của hệ thống lưỡng cực cũng đã tạo tiền đề cho những chuyển đổi tất yếu trong chính sách đối nội và đối ngoại của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ. Song, tất cả những sự thay đổi đó vẫn không làm suy yếu xu thế tích cực trong mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Trong khi đó, sự đổi mới trong chiến lược ngoại giao của của Ấn Độ với sự ra đời của Chính sách Hướng Đông dưới thời chính phủ Narasimha Rao là nền tảng khách quan cho việc đổi mới và tăng cường quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Ngay từ đầu, trong chính sách Hướng Đông New Delhi đã dành ưu tiên cho Việt Nam[4].
Nhưng điều cực kỳ quan trọng là vào đầu thế kỷ XXI, cơ chế tương tác song phương đã được tăng cường đáng kể thông qua việc duy trì đối thoại ở cấp cao nhất. Năm 2001, Thủ tướng Ấn Độ thăm chính thức Việt Nam; năm 2005 và 2007, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm Ấn Độ. Trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI, đã có 17 chuyến thăm lẫn nhau ở cấp cao và cấp cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón Chủ tịch Hạ viện Om Birla và đoàn đại biểu Nghị viện Ấn Độ, ngày 19/4/2022. Ảnh: Internet.
Tương lai tươi sáng và rộng mở
Có nhiều lý do để tin tưởng vào một tương lai tươi sáng và rộng mở cho quan hệ song phương hai nước kể từ khi bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Trong đó ít nhất có thể nói đến hai lý do sau:
Thứ nhất, được thúc đẩy bởi những lợi ích chung trong việc duy trì ổn định, an ninh khu vực và tăng trưởng kinh tế, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng trở nên bền chặt. Đặc biệt là việc hai nước đã quyết định thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” - một vị thế cao nhất trong quan hệ song phương - vào năm 2016, quan hệ này bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, an ninh, thương mại, năng lượng cũng như sự phối hợp trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Thứ hai, sự xuất hiện một chất xúc tác mới, đó là sự ra đời của “Chính sách Hành động phía Đông” vào năm 2014 - một phiên bản nâng cao của “Chính sách Hướng Đông” vào thập niên 90 của thế kỷ XX, trong đó xem Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng nhất.
Từ góc nhìn quan hệ song phương Ấn - Việt, điều quan trọng đối với Ấn Độ là tăng cường tầm quan trọng của họ. Thủ tướng N.Modi đã nói rõ rằng, “Việt Nam là trụ cột trọng yếu của Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ” trong chuyến thăm chính thức đến Việt Nam năm 2016. Các chuyên gia phát biểu rõ ràng hơn rằng “Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia then chốt trong chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ”[5]. Điều này một lần nữa lại được hai nước cam kết mạnh mẽ hơn bằng Tuyên bố toàn diện giữa thủ tướng hai nước về “Tầm nhìn chung về Thế giới, Thịnh vượng và Nhân dân” vào ngày 21/12/2020.
Tóm lại, cùng với sự dịch chuyển trọng tâm kinh tế từ Đông sang Tây, mà trọng tâm là khu vực châu Á, được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ sau những con hổ châu Á trước đó. Trong khi đó, với vị thế là một “cường quốc tầm trung” nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam giữ vai trò ngày càng quan trọng trên bàn cờ địa chính trị và địa kinh tế ở khu vực này. Đặc biệt, ở tầm vĩ mô, hai nước có mối quan hệ bền chặt với lịch sử lâu đời và niềm tin chính trị cao. Vì vậy, việc củng cố và nâng cao hiệu quả hợp tác Việt Nam - Ấn Độ càng trở nên quan trọng đối với mỗi nước, phù hợp với xu thế phát triển mới của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đỗ Khương Mạnh Linh