Quan hệ Việt Nam - Vatican về phương diện tôn giáo bắt đầu từ năm 1925, khi Giáo hoàng Pio XI cho lập Tòa Khâm sứ của Tòa thánh tại Việt Nam. Trong giai đoạn 1945-1975, Việt Nam và Vatican chưa có quan hệ ngoại giao chính thức nên chưa có Sứ thần Tòa thánh tại Việt Nam, mà chỉ có mối quan hệ giữa Toà thánh Vatican với Giáo hội Công giáo Việt Nam qua chức Khâm sứ.
Sau năm 1975, Nhà nước Việt Nam hầu như không quan hệ với Vatican, ngoại trừ việc chấp thuận những giám mục, tổng giám mục, hồng y mà Toà thánh tấn phong. Năm 1988, quan hệ Việt Nam - Vatican trở nên căng thẳng sau việc Tòa thánh phong 117 thánh tử đạo người Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 1989, quan hệ giữa hai bên được cải thiện khi Nhà nước Việt Nam, xuất phát từ lợi ích tinh thần của đồng bào Công giáo Việt Nam, đã cho phép đoàn đại diện của Vatican, do Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình Tòa thánh Roger Etchegaray làm trưởng đoàn, sang thăm Việt Nam trong khuôn khổ chính thức cấp nhà nước làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và một số giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Trong giai đoạn 1989-2008, Chính phủ Việt Nam (qua Ban Tôn giáo Chính phủ) và Tòa thánh Vatican đã có 17 lần gặp gỡ, trao đổi và bàn bạc về những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam và những nội dung vướng mắc mà hai bên cùng quan tâm, như: Nhà nước Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho Giáo hội Công giáo Việt Nam được quan hệ với Tòa thánh Vatican về phương diện tôn giáo trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và pháp luật Việt Nam. Vatican không tuyên truyền, không có các hành động cũng như không để các thế lực khác lợi dụng cấu kết chống phá Việt Nam. Tòa thánh Vatican và Giáo hội Công giáo Việt Nam chỉ thực hiện các hoạt động tôn giáo, không can thiệp vào công việc nội bộ của Nhà nước Việt Nam. Các quyết định bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc từ giám quản trở lên và việc phong tước hiệu, phong thánh của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Tòa thánh Vatican sẽ tham khảo ý kiến trước và khi nào Chính phủ Việt Nam đồng ý thì mới ra quyết định.
Đáng chú ý, trong cuộc làm việc năm 2007, Toà thánh đề nghị nên có một trong hai hình thức quan hệ giữa Việt Nam và Vatican là Đại diện thường trú hoặc Đại diện không thường trú. Từ thời điểm này, mặc dù chưa có quan hệ ngoại giao nhà nước chính thức, nhưng sự thiện chí quan hệ giữa hai bên được phản ánh qua nhiều cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam với Giáo hoàng tại Tòa thánh. Đó là cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Benedicto XVI năm 2007, cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Giáo hoàng Benedicto XVI năm 2009, cuộc gặp gỡ giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Giáo hoàng Benedicto XVI năm 2013, cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Giáo hoàng Benedicto XVI năm 2014, cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Phanxico I năm 2014, cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Giáo hoàng Phanxico I năm 2016, cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Giáo hoàng Phanxico I năm 2023.
Trên cơ sở kết quả trao đổi các vấn đề trong quan hệ giữa hai bên, cùng sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam với đề nghị của Tòa thánh Vatican trong phiên họp năm 2011, Giáo hoàng Benedicto XVI đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam. Năm 2018, Giáo hoàng Phanxico I đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam. Đến giữa năm 2023, Việt Nam và Vatican đã thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam. Trên cơ sở quy chế này, ngày 23/12/2023, Giáo hoàng Phanxico I đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện thường trú đầu tiên của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Vatican phát triển tích cực, là kết quả của quá trình trao đổi trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên.
Biểu hiện sự phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam - Vatican thời gian gần đây còn thể hiện rõ qua huấn từ của Giáo hoàng Benedicto XVI trong cuộc gặp gỡ các giám mục Việt Nam tại Vatican ngày 27/6/2009, trong đó chỉ dẫn người Công giáo Việt Nam gắn bó với đất nước, “người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng tại Tòa thánh Vatican vào ngày 22/3/2014, Giáo hoàng Phanxico I nhấn mạnh thêm, người Công giáo Việt Nam phải là công dân tốt, phải là người yêu nước, phải đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước ấm no và hạnh phúc.
Như vậy, sự chủ động triển khai các bước đi phù hợp, đa dạng trong quan hệ với Vatican đã đem lại hiệu quả trong công tác đối ngoại tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Quan hệ Việt Nam - Vatican góp phần nâng cao ảnh hưởng và uy tín của Việt Nam trong điều kiện mới. Tòa thánh Vatican là cơ quan đầu não của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ - một tổ chức tôn giáo lớn nhất trên thế giới, vừa đảm nhiệm chức năng tôn giáo vừa đảm nhiệm chức năng nhà nước, nên có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Do vậy, quan hệ Việt Nam - Vatican đã góp phần tạo uy tín và ảnh hưởng của nước ta trên trường quốc tế./.
Lê Gia Hân