Mặc dù không phải là những quốc gia lớn ở châu lục, nhưng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có vị trí đặc biệt ở châu Á. Quan hệ giữa hai nước là một điển hình về hợp tác song phương và đa phương thực chất, hiệu quả.
Trường hợp điển hình về hợp tác song phương chiến lược thực chất, tin cậy
Trên bình diện địa lý, Việt Nam thuộc Đông Nam Á, Nhật Bản thuộc Đông Bắc Á. Trên bình diện phát triển, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển từ nhiều thập niên trước. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là trường hợp điển hình của hợp tác Bắc - Nam trên cả phương diện địa lý và trình độ phát triển.
Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-9-1973. Cùng với thời gian, quan hệ hai nước phát triển lên những thang bậc mới: Năm 2009, nâng cấp thành quan hệ Đối tác chiến lược, năm 2014 thành quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng. Sự hợp tác giữa hai nước không chỉ vì lợi ích của mỗi nước mà còn “vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”.
Mặc dù có chế độ chính trị khác nhau (Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa, Nhật Bản là nước theo chế độ quân chủ lập hiến với ba nguyên tắc: “nhân dân làm chủ”, “tôn trọng nhân quyền cơ bản”, “chủ nghĩa hòa bình”) nhưng hai nước có niềm tin chính trị rất cao. Quan hệ giữa hai nước không chỉ vì lợi ích chung mà còn là những người bạn thực sự, có sự kết nối “từ trái tim đến trái tim”(1).
Hai nước là những đối tác kinh tế thiết yếu của nhau. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam: đứng đầu về viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, thứ ba về đầu tư (sau Hàn Quốc, Singapore) và thứ tư về thương mại (sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc). Cùng với kinh tế, hợp tác về lao động, du lịch, giáo dục cũng là những điểm sáng trong quan hệ hai nước. Hiện cộng đồng người Việt Nam ở Nhật lên tới nửa triệu người, đứng thứ hai (sau Trung Quốc) trong số các cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản.
Nguồn: vnexpress, ngày 27-11-2023 |
Với kết quả đó, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu để Việt Nam thực hiện 3 đột phát chiến lược là thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Ngược lại, Việt Nam có vị trí quan trọng hàng đầu trong chiến lược đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực. Với vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam, Việt Nam đóng vai trò “cầu nối” để Nhật Bản hội nhập sâu rộng vào khu vực Đông Nam Á và phát triển quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản - ASEAN. Những biến đổi nhanh chóng, phức tạp trên thế giới và khu vực, nhất là tại biển Hoa Đông và Biển Đông là một trong những nhân tố thúc đẩy Việt Nam trở thành đối tác đáng tin cậy của Nhật Bản tại khu vực Đông Á.
Hai nước đã xây dựng được mối quan hệ song phương mang tích chiến lược, toàn diện, bền vững, hiệu quả mà ít cặp quan hệ song phương đạt được.
Mẫu hình của hợp tác đa phương năng động, hiệu quả
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình hình kinh tế và an ninh của mỗi quốc gia không tách rời với an ninh ở khu vực và thế giới. Vì vậy, bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và Nhật Bản rất coi trọng hợp tác ở nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế với nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có những cơ chế mang tính toàn cầu như Liên hợp quốc; các cơ chế khu vực, liên khu vực như Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)… và nhiều cơ chế hợp tác khác.
Tại Liên hợp quốc, ASEM và nhiều cơ chế an ninh khu vực châu Á như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), Đối thoại Shangri-La, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Việt Nam và Nhật Bản là những thành viên rất tích cực, tham gia đầy đủ, có trách nhiệm cao. Hai nước luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở các khu vực khác nhau trên thế giới, đặc biệt tại biển Đông, eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên. Hai bên tích cực, chủ động nêu ra các vấn đề chung để các nước cùng thảo luận, giải quyết; kêu gọi các nước giải quyết các mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Những điểm sáng nổi bật có tính hình mẫu trong hợp tác đa phương giữa hai nước trong thời gian gần đây được thể hiện ở hai nội dung quan trọng.
Một là, tại Hội nghị cấp cao APEC cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 chứng kiến sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong dẫn dắt và đi đến ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ở thời điểm việc đàm phán về Hiệp định này rất khó khăn khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong CPTPP, hai nước phối hợp với nhau trong việc thúc đẩy các thành viên như Peru, Malaysia, Chile, Brunei hoàn tất phê chuẩn và thực thi Hiệp định.
Hai là, hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản còn được thể hiện Hội nghị G7 mở rộng, G20. Việt Nam không phải là thành viên của G7, G20, nhưng gần đây, trong tất cả những năm Nhật Bản là nước chủ nhà đều đã mời Việt Nam dự Hội nghị G7 mở rộng (vào các năm 2016, 2019, 2023) và dự hội nghị G20 (năm 2019). Điều đó cho thấy hợp tác Việt Nam - Nhật Bản rất chặt chẽ không chỉ ở những tổ chức, diễn đàn mà hai nước là thành viên mà ở cả những tổ chức mà hai nước không cùng là thành viên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị G7 Mở rộng năm 2023 tại Nhật Bản
Trong các cơ chế quốc tế, Việt Nam và Nhật Bản thể hiện vai trò tích cực, chủ động, tương xứng với vị thế của mỗi nước. Nhật Bản thể hiện vai trò là một nước phát triển nên có nhiều sự hỗ trợ đối với các nước đang phát triển. Việt Nam là quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, tích cực, chủ động đóng góp vào sự phát triển của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế. Hợp tác giữa hai nước góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, toàn cầu nói chung.
Chú thích:
(1) Báo Tiền Phong, “Việt - Nhật chân thành kết nối từ trái tim đến trái tim”, https://tienphong.vn, ngày 22/9/2023.
Nguyễn Văn Chuyên