Cả hệ thống chính trị chung tay chăm lo người có công với cách mạng
Nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm lo chính sách đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình xác định nhiệm vụ: “thực hiện toàn diện, đồng bộ các chính sách an sinh xã hội; chính sách người có công với nước; hỗ trợ người yếu thế khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập công đồng..”[1]. Thời gian qua, công tác chăm lo chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình luôn được chú trọng quan tâm, triển khai đồng bộ, toàn diện, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật đối với người có công. Việc quản lý, triển khai thực hiện chính sách người có công được thực hiện đồng bộ, giải quyết cơ bản đúng, đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật và phù hợp với đặc thù địa phương. Hằng năm, tỉnh triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời việc thăm hỏi, động viên các đối tượng người có công nhân các dịp lễ, tết. Xây dựng, tổ chức Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, tôn tạo các nghĩa trang, đền thờ liệt sĩ. Hỗ trợ người có công và thân nhân người có công ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Phối hợp với các cơ quan liên quan, nước bạn Lào trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ...
Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
(Ảnh: baodansinh.vn)
Toàn tỉnh hiện có gần 150.000 người được hưởng chính sách người có công. Trong đó, gần 21.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng số tiền trên 38 tỷ đồng/tháng; hơn 9.000 người được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe; gần 10 ngàn hồ sơ được giải quyết hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ; hàng ngàn học sinh, sinh viên là con của người có công được hưởng chế độ bảo hiểm y tế... Công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trong và ngoài nước, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được thực hiện chu đáo. Trong 10 năm (2012-2020) đã tiếp nhận và an táng 294 bộ hài cốt liệt sĩ từ nước CHDCND Lào về, quy tập trong nước 86 bộ hài cốt liệt sĩ; trên 1.290 mẫu hài cốt liệt sĩ được gửi giám định ADN nhằm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; hướng dẫn thăm và tặng quà 26.000 lượt người có công nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ với số tiền trên 32 tỷ đồng; hỗ trợ 11 nhà ở cho người có công có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 730 triệu đồng.
Thăm khám sức khỏe cho thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh Quảng Bình.
(Ảnh: baodansinh.vn)
Tổ chức chu đáo việc đưa thân nhân liệt sĩ đi dự Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công; đưa 08 người có công tiêu biểu của tỉnh dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc; đưa 100 người có công tiêu biểu của tỉnh đi thăm Thủ đô Hà Nội, Viếng Lăng Bác và gặp mặt Lãnh đạo các cơ quan Trung ương; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Bài ca không quên” truyền hình trực tiếp trên sóng đài truyền hình tỉnh; vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 1,2 tỷ đồng; giải quyết liên quan đến công tác hồ sơ với hơn 8.200 lượt; đối thoại trực tiếp với người dân và người có công về chế độ chính sách; hướng dẫn, trả lời kịp thời các đơn thư khiếu nại, kiến nghị của người dân; thẩm định đề nghị xét công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng; giới thiệu 10 trường hợp giám định thương tật, bệnh tật; hoàn thiện 03 hồ sơ thanh niên xung phong tồn đọng theo Quyết định 408 trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét lần 2[2]... Hằng năm, sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp đảm bao cho 85 nghĩa trang liệt sĩ với trên 18.000 mộ, 66 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 05 đài tưởng niệm liệt sĩ và 01 Đền thờ liệt sĩ tỉnh luôn được xanh, sạch, tôn nghiêm.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 96,3% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến suốt đời. Hằng năm, có trên 25.000 lượt người có công được nhận quà tặng của Chủ tịch Nước nhân các ngày lễ, tết với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng/năm. Đồng thời các cấp địa phương đã trích ngân sách hàng trăm triệu đồng để tặng quà cho đối tượng chính sách và tổ chức chu đáo hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm...[3]
Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách chăm lo người có công
Mặc dù đạt được một số kết quả, song công tác thực hiện chính sách chăm lo người có công vẫn còn khó khăn, hạn chế, như: một số quy định chưa sát thực tiễn, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng còn lúng túng, một số địa phương chưa chú trọng cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng trong xác lập hồ sơ hưởng chế độ và quản lý đối tượng người có công... Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách ở cơ sở thường xuyên thay đổi, năng lực còn hạn chế nên khó nắm bắt đầy đủ hệ thống chính sách để hướng dẫn, giải quyết kịp thời cho người có công...
Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế, ngày càng thực hiện tốt hơn chính sách chăm lo người có công, thời gian tới cần tập trung vào một số định hướng sau:
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thực hiện chế độ đối với người tham gia kháng chiến. Tăng cường công tác tuyên truyền chế độ, chính sách nhằm nâng cao nhận thức và củng cố nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chính sách cấp cơ sở.
Thứ hai, thực hiện chặt chẽ việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ hưởng các chế độ chính sách; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính; giải quyết đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công; phối hợp thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Thứ ba, vận động toàn dân thực hiện tốt phong trào chăm sóc gia đình chính sách và người có công với cách mạng; xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa nhằm tăng cường nguồn lực xã hội hóa trong việc hỗ trợ, chăm sóc người có công với cách mạng.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót ở cơ sở. Tổ chức đối thoại với nhân dân về các chế độ, chính sách ưu đãi người có công, xử lý kịp thời đơn thư phản ánh, khiếu nại theo quy định.
[1] Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, tr.85
[2] Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Bình: Báo cáo số 773/BC-SLĐTBXH về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022 và nhiệm vụ công tác năm 2023, ngày 27 tháng 12 năm 2022
[3] Tỉnh ủy Quảng Bình: Báo cáo số 146/BC-TU ngày 05/5/2022 của Tỉnh ủy Quảng Bình về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
Nguyễn Văn Giang - Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình