Thời gian qua, nhất là 3 năm gần đây, phong trào khởi nghiệp sáng tạo (KNST) ở tỉnh Quảng Nam phát triển rất mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh đã được các địa phương trên cả nước ghi nhận, đánh giá cao. Hiện Quảng Nam đã hoàn thành mục tiêu giai đoạn 1, bước vào giai đoạn 2 với tâm thế mới, tầm nhìn mới, khát vọng mới.
* Phóng viên: Thưa ông, sắp tới, Quảng Nam ưu tiên phát triển khởi nghiệp ở những lĩnh vực nào? Những sản phẩm triển vọng hàng đầu từ phong trào KNST có thể gây tiếng vang cho Quảng Nam là gì?
- Ông LÊ TRÍ THANH: Tỉnh Quảng Nam phát triển khởi nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng du lịch, nông nghiệp, cơ khí và công nghệ thông tin.
Đối với chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), tỉnh vừa ban hành Nghị quyết 09 về hỗ trợ các sản phẩm OCOP kèm theo quyết định hỗ trợ KNST trên địa bàn. Năm 2020, tỉnh cũng đã có quyết định về việc hỗ trợ nâng cao, quảng bá sản phẩm OCOP. Sau 3 năm, đến nay tỉnh Quảng Nam đã có hơn 200 sản phẩm OCOP, trong đó một số sản phẩm được công nhận 4 sao; 5 sao thì chưa có.
Sắp tới, tỉnh sẽ lựa chọn 10-20 sản phẩm khởi nghiệp OCOP từ 3-4 sao nâng lên một hàng nữa thành 4-5 sao, để có đủ sức xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tất nhiên, phải chú ý bảo đảm về chất lượng tiêu chuẩn về xuất xứ và nguồn gốc và đáp ứng đủ số lượng để xuất khẩu ra quốc tế.
Tỉnh chú trọng vận động DN, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm OCOP. Những sản phẩm này sẽ có quy mô phù hợp với khả năng của các thanh niên khởi nghiệp. Tỉnh đang kết nối với Hiệp hội Doanh nhân Quảng Nam tại TP HCM và các tỉnh phía Nam (QNB) để tiêu thụ sản phẩm vào phía Nam, trọng điểm là TP HCM - một thị trường rộng lớn với 10 triệu dân. Trong quá trình kết nối tiêu thụ, các doanh nhân QNB sẽ liên kết, hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa cho các DN OCOP của tỉnh nhà.
Tỉnh cũng đang làm việc với các ngân hàng thương mại, các quỹ tài chính để hỗ trợ vốn cho những DN này. Những sản phẩm OCOP tạo dựng thương hiệu mạnh cho Quảng Nam trong thời gian tới sẽ là các sản phẩm từ nguồn dược liệu thiên nhiên, các sản phẩm hữu cơ và các làng du lịch cộng đồng.
Nhằm hỗ trợ các start-up tìm đầu ra, bên cạnh việc phối hợp với QNB, sắp tới, tỉnh còn làm việc với Hiệp hội Các nhà bán lẻ (mạng lưới trên khắp cả nước), có cơ chế hỗ trợ họ để họ bố trí một khu vực bán hàng Quảng Nam tại các siêu thị. Tỉnh cũng đang xây dựng một siêu thị online để quảng bá và bán sản phẩm của Quảng Nam.
* Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 2 năm qua và thiên tai năm 2020 khiến nhiều mô hình KNST đứng trước nguy cơ phá sản. Tỉnh có chính sách hỗ trợ gì để giúp các dự án start-up này vượt qua khó khăn?
- Khó khăn do Covid-19 là tình hình chung, không chỉ các bạn khởi nghiệp mà các doanh nghiệp (DN) lớn cũng chịu ảnh hưởng. Vì vậy, các bạn cần cố gắng vượt qua, tìm tòi những hướng đi mới để phục hồi và tồn tại. Phải chấp nhận thất bại, thất bại chỉ là viên gạch xây nên ngôi nhà thành công thôi. Các bạn khởi nghiệp nếu không đủ điều kiện (vốn, trí tuệ…) cần thiết thì nên hợp tác với nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Việc hỗ trợ cho từng DN thì tỉnh Quảng Nam không thể có cơ chế, vì có rất nhiều loại hình DN khác nhau. Vừa qua, UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh thông qua cơ chế hỗ trợ phục hồi du lịch, bởi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn lại bị ảnh hưởng nặng nhất do Covid-19 nên cần có các cơ chế hỗ trợ. Các DN ngành du lịch sẽ được xem xét hỗ trợ để kích thích phát triển nhưng sẽ không hỗ trợ trực tiếp cho từng DN nào cả mà chỉ là hỗ trợ chung về môi trường du lịch.
* Quảng Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn về du lịch nông nghiệp, tỉnh quan tâm đến lĩnh vực này thế nào?
- Tỉnh đang nghiên cứu về phát triển du lịch nông nghiệp. Nhất là trong thời buổi du lịch quốc tế đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Thị trường du lịch nông nghiệp, sinh thái, bảo vệ môi trường ở Quảng Nam có tiềm năng rất lớn, vì vậy tỉnh mong muốn các bạn trẻ xông pha tham gia vào lĩnh vực này. Tỉnh cũng đang dự thảo và trình cơ chế hỗ trợ đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp, gắn với văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số với điều kiện tự nhiên sinh thái cảnh quan của làng quê, dự kiến sẽ trình lên HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.
* Chính quyền hỗ trợ các DN nhỏ và siêu nhỏ kết nối với các DN lớn bằng chính sách gì?
- Tỉnh đã làm việc với một số nhà máy ở các KCN, một số DN lớn có lượng khách quốc tế lớn (các resort cao cấp ven biển) mời họ tham gia chương trình đồng hành với tỉnh Quảng Nam để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, vì những đơn vị này tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp rất lớn (rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm) nhưng phải bảo đảm yêu cầu về lượng và chất. Tại các địa phương gần KCN hay các resort lớn thì sẽ tổ chức lại cho nông dân phát triển nông sản. Thay vì trồng lúa, trồng bắp bấp bênh thì nên tổ chức sản xuất trở lại và bảo đảm chất lượng thì sẽ tận dụng được nguồn đầu ra có sẵn có, qua đó phát triển kinh tế của nông dân và địa phương. Kể cả các sản phẩm OCOP cũng được tiêu thụ tại các đơn vị này.
* Để đẩy mạnh phong trào KNST thì phải gắn với cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tỉnh đã hành động cụ thể ra sao nhằm cải thiện môi trường đầu tư?
- Cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam, từ khi tái lập tỉnh đến nay và mãi mãi về sau này, chỉ khác nhau ở quan điểm, mục tiêu, giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện trong từng thời kỳ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn. Tỉnh đã rất nỗ lực để 5 năm liên tục nằm trong Top 10 chỉ số PCI, năm 2020 là năm vô cùng khó khăn của tỉnh Quảng Nam nên các chỉ số đều tụt giảm, trong đó PCI xếp thứ 13, giảm 7 bậc. Tuy nhiên, tỉnh đã rất quyết tâm cải thiện lại môi trường đầu tư để quay lại Top 10 trong năm nay và phấn đấu lọt vào Top 5 vào năm 2025.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã tập trung cho việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại các quy hoạch để chất lượng tốt hơn, hấp dẫn nhà đầu tư hơn và chỉ đạo tiến đến số hóa, minh bạch để mọi nhà đầu tư đều được biết và tiếp cận nhanh nhất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng rà soát các dự án đầu tư, xét trong bối cảnh khó khăn, để quyết định cho giãn tiến độ hoặc thu hồi, trao cơ hội cho các nhà đầu tư khác. Tỉnh cũng rà soát lại các quy định liên quan đến quản lý, thu hút đầu tư để kịp thời điều chỉnh ngay trong tháng 7 này, nhất là các quy định về quy trình thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá đất sạch, hoạt động kinh doanh nhà ở, giải phóng mặt bằng - bố trí tái định cư…
Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; UBND tỉnh cũng chuẩn bị thành lập Tổ Công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Thường trực Ủy ban. Công tác tiếp DN định kỳ hằng tháng được duy trì, khó khăn vướng mắc của DN đều được Thường trực Ủy ban giải quyết vào sáng thứ hai hằng tuần, sau khi đi thực tế kiểm tra…
Bên cạnh khuyến khích, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp cho những dự án quy mô nhỏ và vừa trải đều trên toàn tỉnh thì UBND tỉnh đang xây dựng những dự án chiến lược, quy mô lớn, khác biệt cao, tạo lan tỏa rộng để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, sau đó UBND tỉnh sẽ lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện theo quy định.
Xin cám ơn ông!