Trong thời gian qua, có 03 câu chuyện mà dường như “mọi người và mọi nhà” đều đã nghe và chứng kiến: (1) Đó là câu chuyện anh trưởng thôn nọ, chị hội phó phụ nữ xã kia biến khối tài sản “bề thế” của gia đình mình trở thành “không có gì” trong kê khai để được đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo mong được trợ cấp. (2) Đó là chuyện có một số quan chức dù học giả, sở hữu bằng cấp giả, bằng cấp không được cơ quan có thẩm quyền công nhận mà vẫn thăng tiến thật, thậm chí thăng tiến thần tốc trên hành trình quan lộ, nắm giữ những vị trí trọng yếu ở nhiều nơi, nhiều cấp. (3) Rồi đến câu chuyện các quan chức tỏ ra “ngây thơ” khi đứng trước tòa của hai vụ án lớn: “Kít test Covid-19” và “Chuyến bay giải cứu”.
Ba câu chuyện có bối cảnh không gian và thời gian khác nhau, mức độ vi phạm khác nhau song điểm chung nhất được gói gọn trong cụm từ “thói giả dối” của một bộ phận “người Nhà nước” ở chốn quan trường. Họ vốn là những cán bộ, công chức, viên chức mà trước đó không lâu đã từng được mệnh danh là những “công bộc” của dân! Vậy bắt nguồn từ nguyên nhân gì đã biến họ từ những con người “cao quý” trở thành những kẻ như V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Thái độ giả dối về chính trị là kết quả của sự hèn yếu”[1]?
Hình minh hoạ
Sự thật luôn đối lập với sự giả dối trong hoạt động chính trị nói chung và trong hoạt động văn hóa công vụ nói riêng của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, “sự thành thực có nghĩa là lời nói và việc làm đi đôi với nhau”[2]. Biểu hiện bản chất “sự thật” trong văn hóa công vụ là thước đo cơ bản để định vị chủ thể hoạt động trong thực thi công vụ có văn hóa hay không. Sự lớn mạnh của một môi trường văn hóa công vụ thể hiện rõ trong việc “đào tạo nên những người cộng sản chân chính, có khả năng thắng được sự dối trá... Không như thế, thì sẽ không thu được một thành tựu kỹ thuật nào của chủ nghĩa cộng sản, và mọi ước mơ về những thành tựu đó sẽ chỉ là viển vông”[3].
Như vậy, tôn trọng sự thật trong hoạt động của văn hóa công vụ có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, chủ thể của văn hóa công vụ chỉ có thể đạt được uy tín, tạo được niềm tin của nhân dân khi cán bộ, công chức biết tôn trọng sự thật. Một nền văn hóa công vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động nếu các chủ thể không nói và làm đúng sự thật. Nguy hại của sự dối trá khó lường, dẫn đến nhiều tác hại:
Một là, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi công vụ. Một cán bộ,công chức, viên chứcđã có thái độ và hành vi giả dối thì luôn tìm các phương thức để bóp méo sự thật, né tránh những công việc gắn với trách nhiệm cao, ngại va chạm - nhất là ở các “điểm nóng” cần sự hỗ trợ hoặc phối hợp để xử lý.
Hai là, sự giả dối lặp đi lặp lại, kéo dài từ việc này sang việc khác gây tâm lý bất ổn trong môi trường làm việc của toàn thể cán bộ,công chức, viên chức. Một đơn vị/tổ chức như vậy sẽ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, mạnh ai người đó làm và hậu quả như thế nào thì mọi người đã không ít lần chứng kiến!
Ba là, điểm yếu cốt tử của sự giả dối chính là làm mất niềm tin được diễn tiến theo nhiều chiều, nhiều quan hệ khác nhau giữa: lãnh đạo với lãnh đạo; giữa cán bộ, công chức, viên chức với lãnh đạo; giữa cán bộ, công chức, viên chức với nhau; và đặc biệt là giữa cán bộ, công chức, viên chức với nhân dân và ngược lại. Chúng ta không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến một số quan chức biểu hiện sự dối trá ngay cả khi đang được xét hỏi trước vành móng ngựa - sự việc được biểu đạt rất rõ qua xét xử hai vụ án về “Kít test Covid-19” và “Chuyến bay giải cứu”. Nhân dân làm sao tin được khi một số người trước đó đã thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tuyên truyền về lối sống, đạo đức, phòng chống tham nhũng…, nay lại trở nên rất “ngây thơ” khi trả lời “không biết”, “không rõ” hoặc “không hiểu” về chính lĩnh vực mà họ phụ trách trước đó!
Từ năm 1928, chí sĩ Phan Bội Châu đã nhận thấy: “Con ma bệnh giả dối đo đục thấu cao hoang (chỗ trọng yếu trong con người), khoét vào cốt tủy, tay dối lòng, miệng dối dạ, ăn bánh vẽ mà toan đầy bụng, mặc áo giấy mà đi với ma, kết quả không việc gì là việc thật”. Điều đó cho thấy tác hại ghê gớm của bệnh giả dối. Song cho đến nay, căn bệnh này vẫn chưa được ngăn chặn, loại bỏ trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trong bộ máy công quyền ở nhiều nơi.
Hình minh họa
Thói giả dối tuy được “ngụy trang” bằng đủ hình thức tinh vi, biến báo bằng đủ chiêu trò khôn khéo, nhưng thật ra không khó nhận diện ở nhiều cán bộ, công chức, viên chức. Biểu hiện điển hình của thói giả dối trong bộ máy công quyền ở một số nơi là biến tấu linh hoạt nhiều kế hoạch, chỉ tiêu, con số để mang lại “lợi ích cục bộ”cho tập thể, cơ quan, đơn vị mình. Ví như, khi báo cáo, công bố thực hiện mục tiêu, kết quả công việc với cấp trên thì cố tình đánh bóng thành tích với những mỹ từ có cánh, chủ động “làm đẹp” số liệu nhằm khẳng định sự nỗ lực, bứt phá, vượt khó, sáng tạo của chủ thể. Thế nhưng, khi muốn xin dự án, xin kinh phí, xin hỗ trợ nguồn lực từ trên thì một số nơi lại cố ý kể lể khó khăn, hạ thấp con số hiện thực, sẵn sàng bán rẻ tinh thần, khí khái, lòng tự trọng của chính tập thể mình để lôi kéo, thu vén được càng nhiều vốn liếng, lợi ích của cấp trên thì càng tốt. Tại Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023, tác giả Nguyễn Đức Tuấn, phóng viên Báo Quân đội nhân dân được trao giải B với tác phẩm “Cảnh báo tình trạng xem chức vụ như hàng hóa” đã cho thấy tác hại và mối nguy cơ lớn mà chúng ta cần có biện pháp hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn để loại chúng ra khỏi môi trường văn hóa công vụ đang ngày càng hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vì thế, muốn xây dựng và hoàn thiện môi trường văn hóa công vụ thì phải loại trừ bệnh giả dối, phải đặt ra giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, trước hết, cùng với việc mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tự soi lại mình, trong tổng hòa các mối quan hệ nên lấy chữ “tín” làm phương châm hành động, cấp trên là tấm gương cho tất cả cán bộ, công chức; đội ngũ cán bộ, công chức phải trở thành “thương hiệu” để nhân dân luôn kỳ vọng. Về lâu dài, trị bệnh giả dối phải bắt đầu từ giáo dục. Một nền giáo dục tiên tiến phải xuất phát từ giá trị đạo đức của con người, dạy học trước hết phải dạy làm người theo phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[4].
Phương Nam