Phát huy các kết quả đạt được của 5 năm 2016-2020, đặc biệt là các kết quả tích cực của năm 2020 về thực hiện nhiệm vụ kép, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã tiếp tục nỗ lực phòng, chống dịch và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2021 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ của Đảng và Quốc hội. Trong đó, để lại dấu ấn đậm nét về hình ảnh, vai trò của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất, thể hiện hình ảnh Quốc hội đổi mới, khoa học, chủ động, tâm huyết, đồng lòng và đồng hành cùng Chính phủ.
Những ngày qua, các phiên họp trực tuyến để thẩm tra dự án luật đã trở nên quen thuộc hơn với các thành viên của Uỷ ban pháp luật. Với dự án luật khó như Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, thường trực Uỷ ban đã lập kế hoạch từ sớm, phối hợp với Viện nghiên cứu Lập pháp tổ chức hội thảo trực tuyến để nghe các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các luật sư trong lĩnh vực này. Cách làm như vậy đảm bảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lắng nghe được ý kiến nhiều chiều để nâng cao chất lượng thẩm tra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội sẽ không để xảy ra tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo người”, không chờ các dự án luật được các cơ quan soạn thảo trình sang xong mới cho ý kiến, mà Quốc hội sẽ giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa, thậm chí “đặt hàng”, cho các cơ quan Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật.
Tinh thần đó đã thấm, ngấm đến từng đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội. Bà Nguyễn Phương Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết: "Tinh thần làm việc hết sức cố gắng, tâm huyết, trách nhiệm, thường trực làm việc ngoài giờ, như tinh thần chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: làm hết việc chứ không phải hết giờ. Sự chủ động cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, các nội dung do Chính phủ trình, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có sự nghiên cứu trước, Chính phủ cũng có sự cầu thị tiếp thu, hoàn thiện dự án, hoàn thiện các báo cáo để đảm bảo nội dung trình có chất lượng cao nhất".
Mới đây, một cuộc họp giám sát trực tuyến từ 2 đầu cầu Ủy ban Văn hóa giáo dục tại nhà Quốc hội và các sở, ban ngành tại đầu cầu UBND tỉnh Tuyên Quang cũng được thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, từ rất sớm, Ủy ban đã xây dựng kế hoạch, đề cương chi tiết, phân công các nhóm tiến hành khảo sát, nghiên cứu thực địa và trên văn bản để có một cuộc giám sát chất lượng.
"Trong điều kiện dịch bệnh, chúng tôi nghĩ rằng làm hình thức này thì nó vẫn đảm bảo hiệu quả, hai bên vẫn có thể cùng nghiên cứu báo cáo, cùng trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất về nhận thức chung cũng như từ phía Ủy ban thì có thêm cơ sở vững chắc để chúng tôi ban hành báo cáo giám sát các lĩnh vực này"- ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay. Mục tiêu đổi mới trong phong cách làm việc của từng cơ quan của Quốc hội được tiếp thêm động lực từ chính tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, chủ động, linh hoạt, nhạy bén và trách nhiệm của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Ông Hoàng Minh Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban pháp luật cho rằng, những đổi mới có ý nghĩa lan toả đến hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội cũng như từng đại biểu Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động trong việc tìm hiểu sớm nội dung trong chương trình hoạt động của Quốc hội, trong phòng chống Covid, hàng tuần, thường trực Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban đều có báo cáo về tình hình này trong lĩnh vực mình phụ trách. Tính quyết liệt, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động được bảo đảm. Cách làm việc của Quốc hội thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới để không chỉ thích ứng tốt với điều kiện biến động nhanh như hiện nay, nhưng vẫn đặt yêu cầu chất lượng công việc lên hàng đầu.
Những phiên họp bất thường của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, những buổi làm việc ngoài giờ, không kể ngày nghỉ, toạ đàm tham vấn ý kiến chuyên gia, những buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội, với các phó chủ tịch Quốc hội với Thường trực các uỷ ban Quốc hội về các dự án luật… đó là sự chủ động đổi mới trong tư duy, trong hành động để những quyết sách ban hành có ý nghĩa thực chất trước đòi hỏi, yêu cầu cấp bách của cuộc sống.
Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: "Quốc hội đã luôn đồng hành, chia sẻ và ủng hộ các quyết sách của Chính phủ về phòng chống dịch cũng như tháo gỡ các khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thế mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 30 trong đó phần lớn dung lượng là các giải pháp chưa từng có tiền lệ trao cho Chính phủ tăng cường phòng chống dịch. Tiếp đó là Nghị quyết 268 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có 1 số nội dung khác với quy định của Luật để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Và gần đây nhất, thứ 6 tuần trước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết 03 về hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp".
Một Quốc hội đổi mới, sáng tạo trong tư duy được thể hiện bằng hành động, bằng những quyết sách kịp thời, có ý nghĩa cho cuộc sống của người dân, của đất nước. Để làm được điều đó đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén trong trí tuệ, năng lực, sự đổi mới mạnh mẽ tác phong làm việc, tâm huyết, trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội. Trong loạt bài “Quốc hội đổi mới, khoa học, chủ động, đồng hành cùng Chính phủ”, VOV.VN sẽ đăng bài 2 có nhan đề: "Quốc hội đồng hành cùng đất nước"./.
Lê Tuyết- Vân Hồng/VOV1