Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949.
Việt Nam luôn chú trọng tạo khuôn khổ pháp lý nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội và thực hiện bình đẳng giới
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký kết tham gia Công ước của Liên Hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) vào ngày 29/7/1980 và được phê chuẩn vào ngày 27/11/1981. Vì vậy, ở Việt Nam sẽ không có chuyện “quyền chính trị của phụ nữ tham gia chính trường có sự phân biệt”.
Đồng thời, cho đến nay Việt Nam là một trong số các quốc gia có khung pháp lý và hệ thống chính sách khá toàn diện, đầy đủ để thúc đẩy bình đẳng giới. Ngay từ Hiến pháp năm 1946 đã nêu hai quyền cơ bản và khái quát của công dân Việt Nam là “tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”; “tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”. Trong Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rõ, công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Bên cạnh đó, các quyền cơ bản của phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới cũng được đề cập đến trong các văn bản luật như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Dân số, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới… Trong đó, Điều 11, Chương II Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị: Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức… Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cũng quy định phụ nữ có quyền bầu cử, ứng cử cũng như các cơ chế để bảo đảm phụ nữ được thực hiện những quyền đó.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản bảo đảm sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ trên mọi lĩnh vực với 7 mực tiêu cụ thể. Trong đó, mục tiêu 1 là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Phấn đấu cán bộ phụ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35 - 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trung ương và trao Giải thưởng Kovalevskaia, ngày 7/3/2023. Ảnh: Internet.
Một số thành tựu trong việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam
Ở Việt Nam, để thúc đẩy phụ nữ tham chính, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng như có các chính sách khuyến khích phụ nữ tham chính, hỗ trợ, đề xuất phụ nữ vào danh sách ứng cử, đẩy mạnh công tác kết nạp Đảng trong phụ nữ. Nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng đề cao, phát huy vai trò của phụ nữ như: Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…
Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI (2002-2007), phụ nữ chiếm 27,31% trong tổng số đại biểu; khóa XII (2007-2011) tỷ lệ này là 25,76%; khóa XIII (2011-2016): 24.40%. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ XIII, cán bộ nữ tham gia cấp ủy cả 3 cấp đều tăng về số lượng và chất lượng. Cụ thể, ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 21% (tăng 2%) so với nhiệm kỳ trước. Đối với cấp trên cơ sở đạt 17%, cũng tăng 2%. Đối với các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16% và tăng 3% so với nhiệm kỳ trước. Có hơn 4.200 cán bộ nữ được lựa chọn, giới thiệu và bầu giữ chức vụ cán bộ chủ chốt trong Đảng và chính quyền ở cả 3 cấp… Đây là tỷ lệ tương đối cao qua các kỳ bầu cử Quốc hội và đã đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan lập pháp cao nhất châu Á và cũng như trên thế giới (trên 25%). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nước ta cao hơn hẳn so với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực. Theo Liên minh các nghị viện thế giới, Việt Nam đứng thứ 37 trong tổng số 188 nước trên thế giới về tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp.
Số liệu của trang tin Nhóm Nữ nghị sỹ Việt Nam (thuộc Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho thấy, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở nước ta liên tục tăng lên trong thời gian qua và duy trì ở mức cao. Từ năm 1999 đến nay, Việt Nam luôn có nữ Phó Chủ tịch nước. Tỷ lệ phụ nữ là bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng cũng tăng lên. Tại các cấp địa phương, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Nhân dân cũng tăng lên và nhiều nơi có nữ chủ tịch. Chính phủ cũng có các cơ quan chuyên trách chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ như Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế),... Đặc biệt là Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam được thành lập từ năm 1985 có cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương, có chức năng, nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên ngành liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ.
Phụ nữ Việt Nam không chỉ tham gia vào các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, mà còn tham gia vào các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp... Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một tổ chức chính trị rộng lớn dành cho phụ nữ hoạt động vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ.
Chất lượng phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị cũng được tăng lên về trình độ và năng lực quản lý. Rất nhiều phụ nữ đã trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý, nắm giữ những vị trí chủ chốt tại các cơ quan mà mình tham gia. Với những tính cách ưu việt của người phụ nữ Việt Nam, rất nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc.
Thực tiễn trên cho thấy, quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam được bảo đảm tốt, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy, chính quyền không chỉ cao hơn các quốc gia trong khu vực châu Á, mà còn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ chung của toàn cầu. Việc các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc cho rằng Việt Nam vi phạm quyền chính trị của phụ nữ là thái độ thiếu khách quan nhằm mục đích chống phá, phủ nhận các thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình thực hiện bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng trên lĩnh vực chính trị. Tất nhiên, chúng ta cũng không tự mãn mà cần tiếp tục phấn đấu để sớm nâng cao hơn nữa tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp, nhằm rút ngắn hơn nữa khoảng cách và tiến tới nam nữ bình quyền trên mọi lĩnh vực.
Trương Thị Hoài