Nhờ thay đổi cách tiếp cận, tấn công dịch bệnh Covid-19 ở Bắc Giang và Bắc Ninh, chiều 25/5 ngành y tế đã phát hiện hơn 300 công nhân ở Bắc Giang trong các khu vực giãn cách bị dương tính với virus Sar-Cov-2.
Tại Bắc Giang, vì lợi ích, an toàn và sức khoẻ của Nhân dân, tỉnh này đã phải đóng cửa 4 khu công nghiệp lớn nhất với hơn 10 vạn công nhân từ tuần trước, chưa kể một số huyện, tổ dân phố phải thực hiện các biện pháp phòng chống khác nhau (phong toả hoặc giãn cách) theo các Chỉ thị số 15 hoặc 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ riêng việc đóng cửa các khu công nghiệp, tuy tới nay chưa có tính toán chi tiết thiệt hại nhưng sức ảnh hưởng sẽ không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Bắc Giang.
Còn ở tỉnh láng giềng là Bắc Ninh- một trung tâm công nghiệp quan trọng ở miền Bắc, Bí thư Tỉnh uỷ Đào Hồng Lan cho biết tỉnh chưa phải đóng cửa khu công nghiệp nào, nhưng quy mô, năng suất lao động của các khu công nghiệp đã giảm một nửa so với bình thường.
Khác với chủng virus Sar-Cov-2 hồi đầu năm ở Hải Dương và cả trước đấy, chủng virus mới hiện nay với tốc độ lây lan nhanh hơn, mạnh hơn và nguy hiểm hơn đã trở thành mối lo ngại lớn và biểu hiện rõ nhất là trong khu công nghiệp- nơi có thường có không gian yếm khí, khép kín, tập trung đông lao động.
Từ trung tuần tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của Chính phủ đã ra những chỉ đạo quan trọng về bảo đảm an toàn trong các khu công nghiệp và Bộ Công Thương cũng đã triển khai họp khẩn trực tuyến toàn quốc tăng cường phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở công nghiệp, thương mại. Do vậy, dù Bắc Giang và tại một số khu công nghiệp của tỉnh này đang là tâm điểm của dịch Covid-19 vì những lý do khách quan nhưng cũng rất may là dịch bệnh chưa ảnh hưởng tới các khu công nghiệp ở nhiều địa phương khác- là công cụ quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và cả nước.
Trong khi đó từ thực tiễn trên địa bàn Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng đã nhận diện đợt bùng phát dịch thứ 4 ở Việt Nam đã tấn công vào nhiều “thành trì” quan trọng nhất của việc thực hiện “nhiệm vụ kép” là các cơ sở y tế khám chữa bệnh và các khu công nghiệp.
Mặc dù tới nay, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội đã gỡ lệnh phong toả sau khi không còn xuất hiện các ca Covid-19 và thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch nhưng bài học “vỡ trận” y tế dự phòng tại các bệnh viện ở Ấn Độ sẽ giúp chúng ta cảnh giác hơn cả.
Vai trò quan trọng của các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các cơ sở chuyên ngành điều trị Covid-19 như bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, các bệnh viện dã chiến được coi là tuyến đầu chống dịch, hay rộng hơn là của ngành y tế dự phòng, cũng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ động viên và nêu rõ nhấn mạnh trong Ngày bầu cử mới đây: “Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 là thành trì rất quan trọng cho công tác phòng, chống dịch”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương có phương án triển khai các bệnh viện dã chiến là tuyến cuối chữa trị Covid-19, nhất là các địa phương biên giới phía Tây Nam, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp về dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo phương án tổ chức điều trị ở Bắc Giang và Bắc Ninh đối với bệnh nhân nặng, bệnh nhân mới không có triệu chứng bệnh nhẹ, đã xét nghiệm âm tính lần 1, lần 2 không để các bệnh viện tại trung tâm tỉnh lỵ quá tải; giải phóng bớt bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến tỉnh để dành chỗ cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Hiện nay, Chính phủ không thay đổi mục tiêu thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” nhằm duy trì sự tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội nên việc bảo vệ các “thành trì” cho ổn định và phát triển này là vô cùng quan trọng.
Chủ trì phiên họp của ngành y tế với tổ công tác ở Bắc Giang chiều 25/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt ra yêu cầu “phải ngăn chặn bằng được sự lây lan trong các khu công nghiệp. Đây là việc rất quan trọng đối với Bắc Giang lúc này. “Ưu tiên lớn nhất hiện nay là làm thế nào phòng, chống và dập cho bằng được ổ dịch Bắc Giang. Nếu không làm được thì dịch sẽ lây ra các tỉnh, thành phố khác và như thế sẽ rất nguy hiểm”.
"Chấp nhận xét nghiệm nhầm còn hơn bỏ sót thì mới nhanh được. Đà Nẵng nhanh 1 thì Bắc Giang phải nhanh 10 mới chặn được", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặt ra yêu cầu cho Bắc Giang triển khai phương thức xét nghiệm mới ngay từ ngày 26/5.
Nhưng các biện pháp ngăn chặn của ngành y tế, các cấp uỷ, chính quyền, lực lượng vũ trang sẽ chỉ thành công nhanh nhất có thể, nếu cùng với sự hưởng ứng từ Nhân dân cả nước trong thực hiện nghiêm chỉnh quy tắc 5K trong phòng, chống dịch và việc cấp bách bổ sung nguồn vaccine để tiêm phòng diện rộng càng sớm càng tốt./.
CTV Thành VũVOV.VN