Ông Shimada Shigeru, Chánh văn phòng Tổng giám đốc Acecook, cho biết, doanh nghiệp này không ngừng triển khai hoạt động nghiên cứu phát triển nhằm cải tiến bao bì theo hướng giảm rác thải, thân thiện hơn với môi trường.
Không chỉ Acecook mà đây là định hướng chung của nhiều doanh nghiệp FMCG, tiêu biểu như các thành viên thuộc Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam). Tuy nhiên, không ít rảo cản do thiếu hụt nguồn vốn, cơ chế chính sách đang cản trở những nỗ lực từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết, quy định nhà nước đang thay đổi quá nhanh, đăc biệt là những quy định liên quan đến bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như Luật Bảo vệ môi trường được phê duyệt năm 2020, đến nay tiếp tục có những chỉnh lý, bổ sung trong các quy định.
Bên cạnh đó, ông Hồng nhìn nhận, cơ sở hạ tầng cũng chưa đáp ứng đủ điều kiện để phát triển ngành hàng tiêu dùng nhanh, điển hình là hạ tầng giao thông cũng như các loại hạ tầng kỹ thuật khác. Có thể nói, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng đều chưa tạo ra điều kiện phù hợp để ngành FMCG phát triển theo xu thế chung.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, ngành FMCG đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt bởi sự phát triển kinh tế số và thương mại điện tử. Thông tin từ Bộ Công thương, hàng trăm điểm giao thương được Trung Quốc thiết lập để bán hàng xuyên biên giới, có thể giao hàng cho khách chỉ sau 3 – 4 ngày đặt hàng.
Điều này đặt ra một sức ép cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp FMCG nội địa ở ngay thị trường trong nước. Ra đến xuất khẩu, ngành FMCG tiếp tục phải đối diện với bài toán về quy chuẩn đóng gói, thiết kế phù hợp với định hướng cắt giảm khí thải của các thị trường tiên tiến.
Tức là, một mặt ngành FMCG phải cải tiến sản phẩm theo hướng giảm giá thành sản xuất để có giá cả hợp lý nhưng cũng phải đầu tư quy trình, công nghệ mới nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn.
Tình thế lưỡng nan đó khó có thể được giải quyết nếu thiếu đi nguồn lực nhưng theo ông Hồng, nguồn lực chưa mạnh cũng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt nói chung và ngành FMCG nói riêng.
Thực tế, những khó khăn, thách thức là tất yếu khi Việt Nam lựa chọn mục tiêu kép là vừa phát triển nhanh, vừa phát triển bền vững. Tình thế đó, theo ông Hồng, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ Nhà nước để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất, Nhà nước cần có sự hỗ trợ về nguồn lực, bao gồm đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng logistics cũng như cấp vốn cho doanh nghiệp để triển khai các giải pháp phát triển bền vững.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, theo ông Shimada Shigeru, công tác tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng là đặc biệt quan trọng để nâng cao nhận thức, hướng đến thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng bền vững.
Đồng quan điểm, ông Hồng nhận định, Nhà nước cần xây dựng thêm những kênh thông tin chính thống để tuyên truyền về xu thế phát triển bền vững, tránh những thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp.
Nhận thức của người dân được đồng bộ với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chính là chìa khóa để tiến trình phát triển bền vững diễn ra thuận lợi.
Theo The Leader