Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển; để tăng cường giáo dục quốc phòng cho nhân dân trong nước, đóng góp xây dựng lòng tin, tôn trọng, bình đẳng, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam chủ trương công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam
Lần đầu tiên Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng
Năm 1998, lần đầu tiên, Việt Nam cho phát hành Sách trắng Quốc phòng với tiêu đề Việt Nam củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Sách nêu rõ "Việt Nam có yêu cầu bức bách tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân", đưa ra những nguy cơ, thách thức về tụt hậu về kinh tế, về anh ninh trính trị, trật tự an toàn xã hội. Vì thế, việc bảo đảm chủ quyền, anh ninh, toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công cuộc bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam. Các thủ đoạn sử dụng chiêu bài "nhân quyền" để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, sự thâm nhập nội bộ Việt Nam bằng văn hóa, tư tưởng và bằng nhiều thủ đoạn, hình hình thức khác nhau, sự tiếp tay cho các hoạt động bạo loạn lật đổ, các thủ đoạn gây mất ổn định hòng thay đổi chế độ chính trị - xã hội là những đe dọa lớn đối với an ninh quốc phòng Việt Nam. Sách trắng Quốc phòng 1998 tuyên bố tính chất quốc phòng Việt Nam là hòa bình, tự vệ, "nhằm mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ nền độc lập tự chủ, bảo vệ chủ quyền mọi mặt, toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Việt Nam tuyên bố chính sách quốc phòng "góp phần thực hiện chính sách rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa"[1].
Sách trắng Quốc phòng 1998 nhanh chóng được dư luận quốc tế quan tâm. Viện Đông Nam Á của Singapo đã có bài giới thiệu sách đăng tạp chí Tạp chí Southeast Asian Affairs. Bài giới thiệu đề cập tới cuộc họp báo giải thích Sách trắng - lần đầu tiên được Bộ Quốc phòng tổ chức cho các phóng viên nước ngoài kể từ năm 1994. Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Trần Hanh nhấn mạnh chính sách quốc phòng của Việt Nam tránh liên minh quân sự hoặc liên kết, chạy đua vũ trang, không tiến công ai và tìm cách giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Ông cho rằng tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến theo hướng hòa bình và ổn định mặc dù điều này phụ thuộc vào các động thái chính sách đối ngoại của các cường quốc và chủ trương mở rộng quan hệ quốc phòng với các nước khác, cụ thể là Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, điều này sẽ tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và ngoại giao của Việt Nam với các nước này. Nhấn mạnh vai trò trọng tâm của phát triển kinh tế đối với an ninh quốc phòng của Việt Nam: “Ngày nay, các nước lớn, vừa và nhỏ đều ưu tiên phát triển kinh tế và coi đây là cơ sở để xây dựng sức mạnh tổng hợp của quốc gia”[2].
Các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí trưng bày ở không gian ngoài trời tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2022
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam đầu thế kỷ XXI
Năm 2004, Bộ Quốc phòng ra Sách trắng Quốc phòng với tiêu đề Quốc phòng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI. Sách nhận định về quốc phòng an ninh, Việt Nam vẫn còn bị đe doạn bởi những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch bên ngoài câu kết với bọn phản động trong nước nhằm can thiệp vào công việc nội bộ, gây mất ổn định chính trị xã hội của Việt Nam. Sách tiếp tục khẳng định tính chất của quốc phòng Việt Nam là hòa bình, tự vệ; nhắc lại việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phướng hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Đáng chú ý là sách tuyên bố "bốn không" trong chính sách quốc phòng là: không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào; không cho nước ngoài đặt căn cứ quận sự tại Việt Nam; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các nước khác; không chạy đua vũ trang nhưng luôn củng cố sức mạnh quốc phòng đủ để tự vệ"[3].
Sách Quốc phòng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội: "Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ngày nay gồm Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, cảnh sát biển và công an nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt". Sách cũng trích dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đề cập tới truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân…"[4]. Đây là lần đầu tiên trong sách trắng quốc phòng Việt Nam tuyên bố về vai trò lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.
Sách trắng Quốc phòng lần thứ ba
Năm 2009, Bộ Quốc phòng ra tiếp Sách trắng Quốc phòng với tiêu đề Quốc phòng Việt Nam. Sách đã đánh giá về tình hình an ninh của thế giới "diễn biến phúc tạp, song hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn". Khu vực châu Á – Thái Bình Dương "còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với quốc phòng, an ninh". An ninh khu vực Đông Nam Á cơ bản ổn định nhưng "vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng và xung đột"[5]. Sách cũng thông báo rõ: lần đầu tiên trong lịch sử, biên giới trên đất liền của Việt Nam đã cơ bản được phân định rõ ràng. Ranh giới biển giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Vịnh Bắc Bộ đã được phân định. Một số vấn đề nảy sinh tại các khu vực chồng lấn trên biển giữa Việt Nam với các nước khác đã và đang được giải quyết. Việc thông báo này mang ý nghĩa Việt Nam sẽ tôn trọng những kết quả đạt được về phân định biên giới trên đất liền, trên biển và đề nghị các quốc gia liên quan cũng phải tôn trọng tuân theo. Về đối ngoại quốc phòng, Việt Nam tuyên bố mong muốn mở rộng quan hệ quốc phòng song phương với tất cả các quốc gia.
Vai trò lãnh đạo của Đảng được tiếp tục thể hiện trong sách trắng quốc phòng 2009 với tư cách là tổ chức lãnh đạo xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần của quốc phòng Việt Nam. Xây dựng và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng được coi là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng lực lượng quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Lobban Wallace thăm Việt Nam
Sách trắng Quốc phòng lần thứ tư
Năm 2019, Sách trắng Quốc phòng mang tiêu đề Quốc phòng Việt Nam 2019. Lễ công bố sách được Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 25/11/2019.
Phân tích bối cảnh chiến lược, trong đó nêu bật những thuận lợi, khó khăn và thách thức đối với an ninh thế giới, khu vực và Việt Nam, đề cập đến những thành tựu trong hợp tác an ninh quốc phòng của Việt Nam với các nước láng giềng, sách Quốc phòng Việt Nam 2019 chỉ ra những nguy cơ thách thức của an ninh truyền thống và an ninh phí truyền thống mà Việt Nam đang phải đối diện. Sách chỉ rõ các thế lực thù địch câu kết với các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là phá hoại nền tảng chính trị, tư tưởng, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; âm mưu "phi chính trị hóa" Quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng với Quân đội". Tình hình Biển Đông vẫn còn những yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình, ổn định của Việt Nam.
Về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sách Quốc phòng Việt Nam 2019 khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và Quân đội nhân dân Việt Nam là "lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt"[6].
Sách Quốc phòng Việt Nam 2019 tiếp tục khẳng định chủ trương của Việt Nam "không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này chống lại nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế"[7].
Về đối ngoại quốc phòng, Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược; giúp đỡ nước khác khi được yêu cầu bằng khả năng của mình, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và lợi ích quốc gia – dân tộc phù hợp với Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế… Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào[8].
Sách Quốc phòng Việt Nam 2019 được dư luận quốc tế, bao gồm cả các học giả, các chuyên gia quân sự đón nhận với thái độ tích cực.
Trang báo mạng War on the Rocks - một nền tảng phân tích, bình luận, tranh luận và nội dung đa phương tiện về chính sách đối ngoại và các vấn đề an ninh quốc gia, cho rằng Sách trắng về quốc phòng của Việt Nam theo truyền thống thường là không công kích về các mối đe dọa từ bên ngoài đối với an ninh Việt Nam và giải thích về cách Bộ Quốc phòng giải quyết chúng, nhưng với sách 2019, nó "là một thông điệp có ý nghĩa quan trọng đối với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington nhằm giữ cho khu vực “tự do và cởi mở” không bị ép buộc"[9].
The Diplomat nhận xét đây là "tài liệu mới cung cấp một số hiểu biết sâu sắc về tư duy quốc phòng của Việt Nam tại một thời điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh" của Việt Nam. "Không nghi ngờ gì, việc công bố sách trắng quốc phòng của Việt Nam là một bước phát triển đáng kể về bản thân và về những gì Hà Nội muốn thế giới nghĩ về chính sách quân sự và quốc phòng của mình"[10].
Cho đến Đại hội XIII của Đảng, việc ban hành các Sách trắng Quốc phòng là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, góp phần đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện với thế giới.
LVS
[1] Bộ Quốc phòng - Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam củng cố quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, 1998, tr. 15-20.
[2] Vietnam's defence white paper. (1999). Southeast Asian Affairs, Retrieved from https://www.proquest.com/scholarly-journals/vietnams-defence-white-paper/docview/216939251/se-2?accountid=47774
[3] Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, Hà Nội, 2004, tr. 5.
[4] Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI, Hà Nội, 2004, tr. 13.
[5] Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2009, tr. 17-30,
[6] Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 22.
[7] Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Quốc phòng: Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 25.
[8] Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Sđd, tr. 28.
[9] Derek Grossman and Christopher Sharman, How to read Vietnam's Latest Defense White Paper: a message to Great Powers, War on the Rocks, 31 December 2019, https://warontherocks.com/2019/12/how-to-read-vietnams-latest-defense-white-paper-a-message-to-great-powers/
[10] Prashanth Parameswaran, Vietnam’s New Defense White Paper in the Spotlight, The Diplomat, https://thediplomat.com/2019/11/vietnams-new-defense-white-paper-in-the-spotlight/.