Tháng 2/2022, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hagiuda Koichi thăm chính thức Indonesia, Singapore và Thái Lan. Trong các chuyến thăm, Bộ trưởng H.Koichi đã công bố “Sáng kiến đầu tư tương lai châu Á” với trọng tâm là hợp tác với các nước ASEAN sẽ gồm các lĩnh vực như: củng cố chuỗi cung ứng, đầu tư kết nối hạ tầng, phát triển kỹ thuật số và đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của Nhật Bản trong khu vực châu Á hiện nay.
Trong chuyến thăm Indonesia đầu năm 2022, Bộ trưởng H.Koichi đã công bố sáng kiến đầu tư tương lai châu Á. Ảnh: Internet.
Thứ nhất, sáng kiến khẳng định Nhật Bản tích cực đi đầu trong hỗ trợ phát triển chính thức và hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á, trọng tâm là ASEAN.
Định hướng ODA của Nhật Bản vào châu Á ngoài hỗ trợ các quốc gia này trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, còn chú trọng phục vụ lợi ích địa chiến lược của Nhật Bản; đồng thời vừa đáp ứng được những thay đổi trong môi trường địa chiến lược khu vực, đặc biệt là trước sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á. Hiện nay, viện trợ nước ngoài của Nhật Bản lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất ở châu Á. Năm 2023, chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ sử dụng vốn ODA với quan điểm rõ ràng rằng: sự ưu tiên ODA của Nhật Bản đối với các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải giải được bài toán về “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản và gắn nó với vai trò an ninh kinh tế của Nhật Bản tại đây. Ngân sách ODA của Nhật Bản 561,2 tỷ yên (2022) dự kiến sẽ tăng thêm 20 tỷ yên trong năm 2023. Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch sửa đổi Hiến chương Hợp tác Phát triển (Văn bản quy định các định hướng cấp vốn ODA của nước này cho các nước đang phát triển) để khẳng định vai trò của nền kinh tế lớn trong khu vực. Hiện nay, cáckhoản cho vay phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng chiếm đa số tổng vốn ODA của Nhật Bản. Đặc biệt, ODA của Nhật Bản ở kênh đầu tư cơ sở hạ tầng rất chú trọng vào các tiêu chuẩn chất lượng cao, tăng trưởng chất lượng, và tuân thủ luật pháp quốc tế, thậm chí cả “quan hệ đối tác chất lượng”. Điểm đến của nguồn ODA đều hướng đến những nơi có triển vọng tăng trưởng kinh tế và mở rộng thị trường là rất lớn, trong đó trọng tâm là các quốc gia ASEAN.
Theo sáng kiến này, địa bàn FDI mà Nhật Bản ưu tiên lựa chọn tại châu Á là các nước ASEAN. FDI của Nhật Bản chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vừa đáp ứng được nhu cầu hạ tầng cơ sở cho các nước trong khu vực, vừa mang lại công việc cho các công ty sản xuất của Nhật Bản. Trong các nước ASEAN, bên cạnh những quốc gia ASEAN-6 vốn đã được hưởng lợi từ FDI của Nhật Bản thì các quốc gia ASEAN-4 đang là điểm đến của FDI Nhật Bản. Điển hình là Việt Nam và Campuchia.
Thứ hai, sáng kiến khẳng định Nhật Bản tiếp tục vai trò đầu tầu tại các cơ chế thương mại tự do ở châu Á, chủ yếu là các cơ chế kinh tế đa phương do ASEAN sáng lập.
Nhật Bản tái khẳng định nỗ lực bảo đảm sự phát triển bền vững của kinh tế và tài chính cấp vĩ mô, thông qua việc mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư, bảo đảm sự bền vững của chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với các loại hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu chống đại dịch Covid-19 của các nước ASEAN. Nhật Bản cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với ASEAN trên tất cả các trụ cột là “Đối tác vì hòa bình và ổn định, Đối tác vì sự thịnh vượng, Đối tác vì chất lượng cuộc sống, Đối tác từ trái tim đến trái tim” đồng thời tích cực tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả vào các cơ chế do ASEAN chủ trì. Cùng với việc tiếp tục ủng hộ “vai trò trung tâm” của ASEAN, Nhật Bản đang cân nhắc đa dạng hóa các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. Tại đây, một số quốc gia trong ASEAN đã kiểm soát sớm và nhanh dịch bệnh Covid-19 đáp ứng được nhu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản muốn sớm khôi phục sản xuất, đồng thời trong dài hạn, khu vực ASEAN có thể đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực trẻ và rẻ, đang được cải thiện về chất lượng. Nhật Bản cho rằng, một ASEAN ổn định và dễ dự đoán, coi trọng thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương sẽ mang lại giá trị cao trong thời kỳ bất ổn hiện nay. Nhật Bản đang tích cực cùng ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng luật thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và hiệp định đối tác kinh tế (EPA) song phương và khu vực.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 25 tại Campuchia, ngày 12/11/2022. Ảnh: Internet.
Để triển khai sáng kiến này thành công, Nhật bản tích cực với vai trò đi đầu trong các cơ chế kinh tế đa phương của khu vực. Điển hình là cơ chế Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ CPTTP. Nhật Bản coi đây là nền tảng để thiết lập sức mạnh kinh tế và ngoại giao của mình ở châu Á - Thái Bình Dương và có thể kiềm chế Trung Quốc đang trỗi dậy. Đồng thời đây là kênh có ý nghĩa đối với cả tăng trưởng dài hạn trong nước và ảnh hưởng chính trị quốc tế của Nhật Bản trong tương lai. Tham gia trong cơ chế RCEP, Nhật Bản cũng là một thành viên chủ động và tích cực, luôn khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tối đa hóa lợi ích từ hiệp định thương mại quan trọng này.
Thứ ba, sáng kiến cam kết Nhật Bản tích cực phối hợp với các quốc gia và tổ chức ở châu Á, đặc biệt là ASEAN nhằm triển khai hợp tác khoa học công nghệ.
Với lợi thế là quốc gia đầu tiên thành công trong công nghiệp hóa và bắt kịp các quốc gia tiên tiến, Nhật Bản coi khoa học-công nghệ cũng là một trong những trọng tâm của “sáng kiến đầu tư tương lai châu Á”. Đây là xu hướng mới đang được nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN quan tâm. Đồng thời đây cũng là một dư địa mới để Nhật Bản và các quốc gia này phối hợp hợp tác hiệu quả nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý, cung cấp công nghệ và sản phẩm mới, tạo khả năng tương thích để hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả và đem lại lợi ích cao cho các bên. Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ ASEAN phát triển thành phố thông minh, kinh tế số, nông nghiệp chất lượng cao và hỗ trợ thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0, năng lượng, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu…
Hiện nay, “Sáng kiến đầu tư tương lai châu Á” đang chú trọng phát triển kỹ thuật số và đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với xây dựng xã hội bền vững ở các nước đang phát triển. Nhật Bản hỗ trợ các nước ASEAN đưa ra nhiều giải pháp cho các vấn đề xã hội tại địa phương. Việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, công nghệ số, chuyển đổi số chính là động lực giúp các nước ASEAN chuyển mình trong giai đoạn hậu Covid-19.
Có thể nhận thấy, “Sáng kiến đầu tư tương lai châu Á” đang triển khai trên lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, ngày càng khẳng định vị thế của Nhật Bản trong khu vực. Trong dòng chảy của xu hướng hội nhập và phát triển, Nhật Bản đang thể hiện vai trò, vị trí của một cường quốc khu vực và cường quốc toàn cầu trong thế kỷ XXI. Các quốc gia châu Á, đặc biệt Đông Nam Nam Á đang tích cực nắm bắt cơ hội từ Nhật Bản để gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững, kết nối chính phủ, nhân dân hai phía đúng với tinh thần “Đối tác vì hòa bình và ổn định, Đối tác vì sự thịnh vượng, Đối tác vì chất lượng cuộc sống, Đối tác từ trái tim đến trái tim”.
Trịnh Hoa - Trần Thảo