Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa phê bình 3 sở (TN-MT, QH-KT, GD-ĐT) và 5 địa phương (UBND quận 3, 5, 8, Bình Thạnh và TP Thủ Đức) vì chậm trễ, chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị đã được UBND TPHCM chỉ đạo, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công không đạt theo kế hoạch. Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM cũng phê bình 4 ban quản lý dự án chưa nghiêm túc, chưa quyết liệt đẩy nhanh tiến độ dự án dù được giao đến 60% tổng vốn đầu tư công.
Trong số các động lực đảm bảo mức tăng trưởng năm 2024, TPHCM xác định giải ngân đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng. TP đã đặt mục tiêu giải ngân trên 95% trong tổng vốn đầu tư công khoảng 79.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 5, TP mới chỉ giải ngân được khoảng 14%, xấp xỉ chỉ tiêu của quý 1. Và sự ì ạch đó đã bị Bộ KH-ĐT “điểm tên” TPHCM là một trong số các địa phương trong cả nước có tỷ lệ giải ngân thấp.
Về nguyên nhân, đáng lưu ý là, một số sở ngành, địa phương chậm trễ, chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị đã được UBND TPHCM chỉ đạo. Đặc biệt có đến 29 kiến nghị dù đã được UBND TPHCM chỉ đạo đến 2 lần, nhưng các đơn vị vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Không chỉ trong giải ngân đầu tư công, mà ở các lĩnh vực khác vẫn còn tình trạng cán bộ đùn đẩy, chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình. Đó không chỉ là chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, để tồn đọng công việc mà còn trả lời, hướng dẫn không rõ ràng, nêu chung chung về quan điểm, chính kiến của tổ chức, đơn vị mình. Chưa kể còn có tình trạng “đẩy việc”, thông qua việc hỏi xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình hoặc lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm.
Với nỗ lực siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trong năm 2022 và 2023 có 19 cán bộ, 92 công chức và 230 viên chức tại TPHCM bị xử lý kỷ luật. Từ năm 2022 đến nay, có 9 lượt chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền đánh giá của Chủ tịch UBND TPHCM cũng bị hạ mức đánh giá, xếp loại chất lượng hàng quý từ mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống hoàn thành tốt nhiệm vụ… Dù vậy, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ chưa nghiêm vẫn còn tồn tại.
Do đó, đòi hỏi trách nhiệm của từng cá nhân để thúc đẩy tiến độ công việc. Khi cần thiết cần tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI diễn ra sáng ngày 13/6, lãnh đạo TPHCM cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, theo Quy định 148-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Cùng giải pháp trên, khi TPHCM vận dụng triệt để, khách quan quy định đánh giá, xếp loại chất lượng theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (được UBND TPHCM ban hành trong tháng 5-2024) và áp dụng chính sách chi thu nhập tăng thêm chặt chẽ sẽ thúc đẩy cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình và không lơ là, né tránh trách nhiệm.
Khi từng cán bộ, đảng viên “đúng vai, thuộc bài” sẽ thoát khỏi sự e dè, giúp thúc đẩy tiến độ công việc, cũng là tiền đề quan trọng để cán bộ, đảng viên nỗ lực đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Nguồn SGGP