Cách đây 75 năm, tháng 01/1949, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Kiểm điểm công việc của Đảng”, nêu bật những thành tựu trong 19 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng thời chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần sửa chữa của Đảng và khẳng định “sáu điểm nhất” của Đảng trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trước mắt sẽ bảo đảm cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công
Đảng 19 tuổi và những thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Mở đầu bài viết, Bác chỉ rõ “19 tuổi là thanh niên. Đảng ta là một thanh niên anh dũng, oanh liệt, khôn khéo, mạnh khỏe, với một tiền đồ vô cùng vẻ vang”[1]. Hơn nữa, trong gia đình cộng sản quốc tế, Đảng nắm chính quyền trẻ nhất, khi mới 15 tuổi “Các Đảng anh em như Đảng Nga, Đảng Tàu và Đảng khác, đều ngoài 20 tuổi mới tranh được chính quyền”[2]. Mặc dù Đảng sinh ra trong một hoàn cảnh rất khó khăn, dưới một chế độ thực dân rất tàn nhẫn, nhưng Đảng luôn dẻo dai, hùng mạnh, duy nhất lãnh đạo cách mạng nước ta.
Đến mùa Xuân năm 1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức tại bán đảo Cửu Long (Trung Quốc). Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập là mốc son trọng đại, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập với Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng xác định mục tiêu chiến lược của cách Việt Nam là “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”[3]. Việc thành lập Đảng và đường lối cách mạng Việt Nam thể hiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã đáp ứng những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân đấu tranh giành chính quyền, đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội và tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là phong trào Xôviết Nghệ -Tĩnh, làm rung chuyển chế độ thống trị của thực dân Pháp và phong kiến, “lôi cuốn được cả công nhân, nông dân và học sinh. Đã lập nên chính quyền nhân dân. Đã làm cho giặc Pháp kinh sợ. Thật là một cuộc cách mạng oanh liệt đầu tiên do giai cấp vô sản Việt Nam lãnh đạo”[4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc, năm 1947 (Ảnh tư liệu)
Trong những năm 1931-1934, là những năm Đảng bị thực dân khủng bố ráo riết, hàng vạn đảng viên và quần chúng bị tù đày, hầu hết tổ chức của Đảng bị tan rã, nhưng Đảng vẫn lãnh đạo phong trào đấu tranh rộng lớn, tiến hành Đại hội lần thứ nhất năm 1935 tại Ma Cao, Trung Quốc.
Tiếp đó, trong những năm 1936-1939, Đảng đã tranh thủ những hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp để lãnh đạo nhân dân ta chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.
Trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 – 1945), Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh từng bước hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị Trung ương tháng 5/1941 do lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì, chủ trương giương cao ngọn cờ chống đế quốc, xác định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc”[5]. Trên cơ sở đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng đã thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) nhằm đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc để đánh đuổi thực, phát xít. Đồng thời, Đảng lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng.
Khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương họp Hội nghị mở rộng ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (ngày 12/3/1945). Khi thời cơ cách mạng đến, Hồ Chí Minh, chỉ rõ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”[6]. Đây không chỉ là sự biểu lộ quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, mà còn là nhận định phản ánh sự chuẩn bị lực lượng và thời cơ cách mạng đã chín muồi. Tiếp đó, Đại hội đại biểu quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17/ 8/1945, biểu thị sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước, biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Ngay sau Đại hội, Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[7].
Đại hội đại biểu lần thứ II, một mốc son của Đảng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (Ảnh tư liệu)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động, sáng tạo của các Đảng bộ địa phương, trong khoảng nửa tháng, Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi trên phạm vi cả nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo; chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm đô hộ của thực dân, phát xít. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước dân chủ nhân dân ở Đông Nam Á và là Nhà nước của toàn thể dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Những khuyết điểm cần khắc phục và “sáu điểm nhất” bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến
Phần cuối bài viết, Bác cũng nêu rõ, trong cuộc đấu tranh to lớn, lâu dài, gây go đó, ít nhiều đảng viên “không tránh khỏi khuyết điểm như: chủ quan, hẹp hòi, mạo hiểm, hủ hóa, xa quần chúng, chủ nghĩa địa phương, không giữ gìn kỷ luật, làm việc luộm thuộm, tự kiêu, tự mãn,...”[8].
Để khắc phục “những chứng bệnh thanh niên”, Đảng đòi hỏi các đảng viên phải kiên quyết tẩy cho kỳ sạch những bệnh ấy, để Đảng phải trở nên một Đảng Bônsêvích to lớn, vững vàng, rộng rãi, mạnh mẽ. Mỗi đảng viên phải kiên quyết thực hành nghiên cứu chủ nghĩa; gần gũi quần chúng; nghiêm giữ kỷ luật; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Năm 1949, Đảng vừa tròn 19 tuổi, Đảng đã “kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn”[9]. Đảng trở thành đội tiên phong của giai cấp vô sản, đã có thành công và thành công to lớn hơn nữa, đó là vì Đảng ta có “sáu điểm nhất”:
“Có một chủ nghĩa đúng đắn nhất - chủ nghĩa M.A.L.S[10].
Có một khí giới sắc bén nhất - phê bình và tự phê bình.
Có một kỷ luật nghiêm ngặt nhất - kỷ luật vô sản cách mạng.
Có một quân đội anh dũng nhất - quân đội của nhân dân.
Có một nhân dân hăng hái nhất - nhân dân yêu nước.
Có một chính sách đúng đắn nhất - chính sách mác xít”[11].
“Sáu điểm nhất” sẽ là nguồn gốc thắng lợi của công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Năm năm sau, hiện thực lịch sử đã minh chứng điều đó.
Dương Minh
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2011, t. 6, tr 7.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr 7.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Hà Nội, 1998, t.2, tr 2.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t. 6, tr 4.
[5]Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr 119.
[6]Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 2, tr.256.
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr.554.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2011, t.6, tr 13.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr 6.
[10] M.A.L.S: Các chữ viết tắt Mác, Ăng ghen, Lênin, Stalin.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr 14.