Hà Nội tiếp tục đứng đầu về số ca mắc COVID-19 mới
Ngày 10/2, Hà Nội có 2.887 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 627 ca cộng đồng. Trong 3 ngày qua, trên địa bàn thành phố có hơn 50 bệnh nhân tử vong. Số ca mắc mới phân bố tại 434 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày là Hoàng Mai (177); Đông Anh (175); Nam Từ Liêm (161); Chương Mỹ (151); Long Biên (150).
Bắc Ninh mở lại dịch vụ ăn uống, hoạt động thể thao và tín ngưỡng
Ngày 10/2, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 1.079 ca mắc COVID-19 mới, trong đó, có 848 ca mắc có nguy cơ cộng đồng. Sáng 10/2, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại, nhằm thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa không để dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn, vừa từng bước khôi phục và đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Ninh Bình ghi nhận số F0 tăng vọt
Ngày 10/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận tại Ninh Bình 715 ca mắc mới. Trong 4 ngày từ ngày 4-7/2, Ninh Bình ghi nhận gần 1.400 ca mắc COVID-19, trong đó có gần 1.240 ca trong cộng đồng, ở tất cả 8 huyện, thành phố. Đặc biệt, trong 2 ngày 8 và 9/2, số F0 tăng nhanh đột biến, với khoảng 1.000 ca mỗi ngày.
Nam Định vượt mốc 1.000 ca COVID-19 mới trong ngày
Ngày 10/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận tại Nam Định 1.189 ca mắc mới. Đây là địa phương có số F0 mới trong ngày cao thứ 5 trên cả nước. Hiện Nam Định thuộc nhóm 22 tỉnh, thành phố có dịch cấp độ 2 (vùng vàng).
Trung bình số ca mắc COVID-19 mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 18.077 ca/ngày. Trong ngày 10/2, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hà Tĩnh (-986), Gia Lai (-215), Phú Thọ (-172). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hòa Bình (+1.055), Bắc Giang (+377), Lạng Sơn (+352).
Sau Tết Nguyên đán, số ca mắc COVID-19 trên cả nước tăng cao trở lại. Theo đó, các địa phương đang cường tiêm chủng và các biện pháp chống dịch. Đặc biệt, đảm bảo phòng, chống dịch an toàn tại trường học để học sinh các cấp trở lại trường học. Trong đó, TP.HCM sẵn sàng đón học sinh từ mầm non đến lớp 6 tới trường. Để đón học sinh từ mầm non đến lớp 6 trở lại học trực tiếp vào thứ Hai tuần sau (14/2), ngay từ đầu tuần này, các trường tại TP.HCM đã tiến hành công tác khử khuẩn, tập huấn cho cán bộ, giáo viên cũng như tổ chức họp phụ huynh. Trong tuần này, nhiều trường tại TP.HCM, nhất là khối mầm non đang tuyển nhân sự để kịp đón trẻ quay trở lại trường. Dự kiến trong tuần sau, trường sẽ đón khoảng 70-75% trẻ từ 3-6 tuổi đi học. Một số phụ huynh đăng ký cho con đi học cũng đến trường để tham quan cơ sở vật chất cũng như kiểm tra công tác phòng dịch.
Trong 2 ngày đầu tiên (ngày 7 và 8/2) quay trở lại học trực tiếp, tỷ lệ học sinh THCS và THPT đến trường tại Kiên Giang cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác trên cả nước. Trong đó, học sinh THCS đến trường đạt hơn 91% và THPT đạt hơn 97%, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước (78-80%). Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong năm học 2021-2022 ngành giáo dục Kiên Giang tổ chức dạy học linh hoạt bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện của nhà trường và điều kiện học tập của học sinh. Đặc biệt là triển khai các giải pháp hỗ trợ học sinh học tập, nhất là về trang thiết bị và sách giáo khoa, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 1,2 và 6./.
Thiên Bình/VOV.VN
Tổng hợp