Sáng 27/5, chị Nguyễn Thị Hợp mặc áo chống nắng kín mít chạy xe ra đình làng ở My Điền 1, thị trấn Nếnh, Việt Yên. Mấy hôm nay, bà chủ của 39 phòng trọ với 59 công nhân trở thành "người vận chuyển", đại diện cho công nhân đi nhận nhu yếu phẩm tại "Siêu thị 0 đồng" tiếp tế cho những công nhân đang ở trong vùng bị phong tỏa.
Rửa tay bằng nước sát khuẩn để sẵn ở cổng đình, chị Hợp ký tên vào danh sách rồi định rảo bước thật nhanh vào trong trốn nắng. Nhưng chị khựng lại khi tiếng một cán bộ bên trong vọng ra: "Đề nghị bà con đảm bảo giãn cách!". Phía sau chị, hơn chục chủ trọ cũng đã có mặt.
Hợp nhận 59 suất cho công nhân, có nước mắm, dầu ăn, đường và một ít băng vệ sinh phụ nữ. "Ái chà, nay có cả món này. Các bác chu đáo đến thế là cùng", bà chủ trọ tấm tắc.
Bà Phùng Thị Lý, Chi hội trưởng hội phụ nữ My Điền 1, cười, dặn Hợp: "Nhu yếu phẩm được tài trợ chưa nhiều. Suất nào có nước mắm thì tạm thời chưa có dầu ăn, suất có đường thì thiếu dầu. Cô mang về ai thiếu thứ gì thì ưu tiên họ lấy suất đó. Hôm sau có chúng tôi gọi ra nhận thêm".
Sau khi lấy đủ phần, chị Hợp gọi thêm người nhà mang về phát cho công nhân.
Từ khi siêu thị thành lập tại thị trấn Nếnh hôm 22/5 đến nay, chị Hợp cùng với gần 400 chủ nhà trọ ở My Điền 1 đã ba lần đến sân đình "đi chợ" cho hơn 10.000 công nhân đang ở trọ.
Ra ngoài nhiều, nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng người mẹ có ba con nhỏ không nỡ nhìn công nhân trọ nhà mình thiếu thốn. Ở chỗ chị, nhiều người đi làm chưa nhận đồng lương nào, có hai công nhân đang mang bầu.
Nhờ siêu thị 0 đồng, những công nhân này có thêm thực phẩm ăn trong ngày, hai bà bầu này có sữa tươi uống bổ sung. "Em ốm nghén, ăn uống khó mà đồ ăn lại ít. Có siêu thị 0 đồng, bữa giờ em được nhận bảy vỉ sữa, có thịt, trứng để cải thiện", Trần Thị Phương, công nhân khu công nghiệp Đình Trám, một trong hai bà bầu trọ ở nhà chị Hợp, nói.
Không thể đầy đủ như siêu thị bình thường, nhưng ông Nguyễn Bá Linh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Nếnh khẳng định "cố gắng không để ai bị đói, bị khát". Sau năm ngày mở cửa, siêu thị đã được các mạnh thường quân biết đến nhiều hơn. Nhờ họ hỗ trợ, hôm 27/5 ngoài thực phẩm, siêu thị có thêm một số mặt hàng khác như bột giặt, xà bông, dầu gội, đồ dùng phụ nữ.
Được điều động về "Siêu thị 0 đồng" để phân phối hàng tiếp tế cho công nhân, cùng với khoảng 20 nhân lực khác, điều bà Phùng Thị Lý, 68 tuổi, lo nhất là cân đối thực phẩm cho thật công bằng.
"Họ phải cách ly đã khổ lắm rồi nên mình phải chia cho đều để không ai thiệt. Ví dụ mỗi suất được 20 nghìn đồng, tôi lại phải tính toán sao cho họ có đủ thứ cần thiết. Người thiếu thứ này sẽ được bù thứ kia", bà quệt mồ hôi, nói.
Ý tưởng lập "Siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân" do tổ Hỗ trợ đời sống công nhân ngoài tỉnh của tỉnh Bắc Giang triển khai, xuất phát từ thực tế khó khăn của hơn 30.000 người ở trọ tại tỉnh. Có 10 siêu thị đồng loạt mở cửa hôm 22/5 tại hai huyện Việt Yên và Yên Dũng. Ngày 27/5, số siêu thị đã tăng lên 21, tập trung tại các điểm có đông công nhân thuê trọ. Nguồn cung từ các đoàn thể tại địa phương, nhà hảo tâm, doanh nghiệp.
Để được "mua hàng", chủ trọ liệt kê danh sách công nhân, kèm giấy tạm trú, tạm vắng của họ. Trong siêu thị có gì, cán bộ sẽ phân loại rồi chia. Ngoài ra, chủ trọ đề xuất các loại hàng hóa đặc biệt mà công nhân mình cần để được hỗ trợ. Khi chuẩn bị xong các suất nhu yếu phẩm, cán bộ tổ dân phố gọi điện cho chủ trọ đến lấy theo nhóm, hoặc gọi bằng loa, để đảm bảo không tụ tập đông người.
Nếu ở thị trấn Nếnh, chủ đi "mua hàng" cho khách trọ, thì tại Hồng Thái, huyện Việt Yên, nơi có hơn 1.000 công nhân, hàng hóa được trao đến từng nhà trọ.
Ngồi lắc lư trên chiếc xe ba gác giữa trưa, Thân Thị Hà, 22 tuổi, tranh thủ mở danh sách các hộ chưa được cấp hàng để nhắc lái xe. Chiếc xe được bác trưởng thôn mượn từ dân, năm ngày nay đã đi khắp Hùng Lãm 1 để trao nhu yếu phẩm cho khách trọ.
Hà là người Hùng Lãm 1 và cũng làm công nhân ở Đình Trám. Phải nghỉ việc, trong khi ngày ngày nghe đồng nghiệp kể cảnh túng thiếu, cô xung phong đến "Siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân" làm tình nguyện viên, cùng với 9 người khác.
Sáng sớm, cửa siêu thị vừa mở cũng đúng lúc đoàn xe từ thiện đến. Trên xe nhiều rau xanh, sợ phơi nắng nhanh hỏng, đám thanh niên hò nhau vác như chạy vào trong. Chẳng đợi nghỉ, ba người ngồi bệt xuống sàn chia gạo, lạc, trứng, muối thành từng túi để phân phát, những người còn lại lo lập danh sách, lên đường đi 'ship'.
Với xe hàng hôm nay, họ chia được hơn 500 suất, cho một nửa công nhân trong thôn, đủ ăn bốn ngày. Ngày hôm sau, được nhận thêm, họ lại phân bổ cho một nửa còn lại. Các tình nguyên viên trong nhóm Hà gọi loa hoặc điện thoại để chủ trọ ra cổng nhận đồ.
Không trực tiếp tiếp xúc với công nhân, nhưng những lời cảm ơn của họ gửi qua chủ trọ và lời dặn giữ sức khỏe tiếp sức cho cô gái trẻ.
"Lần nào em cũng nhắn các bạn công nhân cố gắng ở nhà, thực hiện đúng 5K là bọn em vui rồi. Nếu thiếu gì thì liên hệ chủ trọ hoặc tổ tự quản, chúng em sẽ cố gắng đáp ứng", Hà nói. Điều cô tình nguyện viên trẻ vừa chia sẻ cũng là gửi gắm của các cán bộ Bắc Giang, chủ trọ và người dân nơi này đến tất cả công nhân.
Nguồn VnExpress